Vật liệu hãm trượt đường cất hạ cánh (EMAS) – giải pháp thiết yếu tăng cường an toàn hàng không

Thứ Ba, 23/11/2021 - 10:34 GMT+7

Ngày 16/11/2021, tại Trụ sở Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu về giải pháp vật liệu hãm trượt tàu bay khỏi đường cất hạ cánh (CHC).

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng chủ trì với sự tham dự của đại diện các Vụ: Kết cấu hạ tầng, Khoa học công nghệ thuộc Bộ GTVT; Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam; Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV); Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM); Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn; các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Bamboo, Pacific Airlines, Vietjet Air; Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam và các phòng chuyên môn thuộc Cục.

Tại hội thảo, công ty Runway Safe (Thụy Điển), nhà sản xuất vật liệu EMAS số 1 thế giới (và duy nhất được FAA - Cục Hàng không Liên bang Mỹ phê duyệt) cùng đối tác Việt Nam là công ty Thabis đã nêu bật những con số thống kê đáng lo ngại về thực trạng các sự cố tàu bay trượt khỏi đường CHC trên thế giới.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đã dẫn chứng những công trình EMAS được thi công trên khắp các châu lục, kể cả tại những nơi có điều kiện thời tiết và khí hậu khắc nghiệt như Ả Rập Xê Út (nắng nóng, nền nhiệt độ cao) hay Na Uy (sự chênh lệch nhiệt độ lớn, mưa nhiều, tuyết rơi). Điều này minh chứng rằng vật liệu EMAS có thể duy trì tốt trong mọi điều kiện thời tiết, từ hàn đới cho đến nhiệt đới, sa mạc.


Hội thảo đã làm rõ cơ chế, nguyên lý hoạt động của EMAS khi hãm trượt tàu bay, phân tích về sự khác nhau giữa hai loại EMAS, chỉ ra các vấn đề cơ bản và thiết thực khi lắp đặt EMAS nhằm nâng cao độ tin cậy, an toàn cho các cảng hàng không (CHK), trong đó ưu tiên trước hết là các CHK có sự hạn chế về điều kiện của khu vực an toàn cuối đường CHC (RESA), cũng như gặp những bất lợi về điều kiện địa hình, thời tiết có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn trong quá trình cất, hạ cánh của tàu bay. Nhiều dẫn chứng sinh động về những sự kiện hãm trượt thành công trên thế giới; các so sánh hiệu quả giữa việc có và không lắp đặt EMAS (nhất là tình huống sân bay Bob Hope ở Burbank, Mỹ); xác định lợi ích - chi phí của việc sử dụng EMAS trong ngành hàng không cũng đã được phía công ty Runway Safe và Thabis trình bày.

Về phía các đại biểu tham dự, nhiều câu hỏi có giá trị đã được đặt ra trong phần thảo luận, điển hình như câu hỏi đa phần các cảng hàng không của Việt Nam chỉ có một đường CHC, trường hợp sự cố trượt tàu bay trên dải EMAS xảy ra, liệu sân bay có phải đóng cửa chờ khôi phục khu vực hãm trượt hay không? Với câu hỏi này, chuyên gia từ Runway Safe khẳng định việc khôi phục khu vực EMAS không ảnh hưởng đến điều kiện khai thác do chỉ diễn ra ở phần đầu đường CHC, vì thếviệc đóng đường băng sẽ không xảy ra. Mặt khác, thời gian khắc phục khu vực EMAS cũng chỉ mất vài ngày nếu việc thi công được thực hiện trực tiếp với vật liệu, nhân công được đảm bảo sẵn sàng.

Phát biểu kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá cao và quan tâm với giải pháp EMAS từ nhà sản xuất Thụy Điển, đặc biệt là khả năng ứng dụng cho dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo, bởi ở đây có sự hạn chế về điều kiện của khu vực RESA. Dù vậy, cũng còn một số vấn đề kỹ thuật cần phải được trao đổi, làm rõ thêm nhằm đánh giá tính khả thi khi áp dụng trong điều kiện khai thác ở Việt Nam./.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website