Dự hội nghị về phía Bộ Giao thông vận tải có Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, các đồng chí Thứ trưởng: Lê Anh Tuấn, Lê Đình Thọ, Nguyễn Xuân Sang, Nguyễn Duy Lâm và Nguyễn Danh Huy. Đại diện lãnh đạo các cơ quan của Bộ, các Sở GTVT 63 tỉnh, Thành phố cùng tham dự tại điểm tổ chức Hội nghị chính tại Trung tâm Hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong và tại 62 điểm cầu truyền hình trực tuyến tại các địa phương.
Bộ GTVT đã rốt ráo phối hợp, làm ngày làm đêm hoàn thành cả "núi" công việc
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải, chiều nay (13/1), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả Bộ GTVT đạt được.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2022 nhiều biến động, khó khăn chồng chất nhưng trong thành tích chung năm 2022 của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của Chính phủ có sự đóng góp của Bộ GTVT. Lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, điều hành chắc tay, nắm chắc vấn đề để triển khai công việc.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, năm 2022, trong thời gian rất ngắn, Bộ GTVT đã rốt ráo phối hợp, làm ngày làm đêm đạt được nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành cả "núi" công việc: Trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia; Đảm bảo điều kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với tỷ lệ GPMB được bàn giao đạt tới 70% chỉ trong 1 năm (thay vì mất 3 - 4 năm so với các dự án trước).
Ngoài các dự án khởi công mới, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã cơ bản đưa vào thông xe kỹ thuật đúng kế hoạch.
“Đặc biệt, để triển khai được các dự án, năm 2022, Bộ GTVT đã cùng các Bộ, ngành, địa phương huy động được từ 5 nguồn vốn quan trọng: Vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, vốn từ tăng thu giảm chi, vốn ngân sách địa phương và vốn ngoài ngân sách. Nếu nhiệm kỳ trước, các nguồn vốn được huy động cho hạ tầng giao thông chỉ đạt 136.000 tỷ đồng thì nhiệm kỳ này, con số huy động được là gần 500.000 tỷ đồng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng cho rằng, Bộ GTVT là một trong những Bộ có nhiều quy hoạch chuyên ngành nhưng các quy hoạch được hoàn thành rất sớm, 4/5 quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt. Đây là điều ít Bộ, ngành nào làm được.
Thủ tướng cũng nhận định năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo còn gặp nhiều khó khăn khi một số nền kinh tế lớn có thể đi vào suy thoái, chính sách tiền tệ chống lạm phát tiếp tục tác động tiêu cực, xung đột chính trị trên thế giới còn kéo dài, song, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT khó khăn nào cũng phải vượt qua.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngành GTVT chủ động nhận diện khó khăn, chuẩn bị nguồn lực chủ động ứng phó, bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng 13 để đạt được mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.
“Năm nay huy động tối đa về đầu tư công mới được 500.000 tỷ đầu tư trong nhiệm kỳ này. Chủ trương của Đảng là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, phải kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, phải có cơ chế chính sách để khởi động lại BOT để huy động nguồn lực. Song, phải có công cụ kiểm soát, không để xảy ra tiêu cực”, Thủ tướng nói và yêu cầu một số dự án trọng điểm như CHK Long Thành đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc đảm bảo sự minh bạch, đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh nguyên tắc không chia nhỏ dự án, đầu tư dàn trải, manh mún, không để xảy ra tình trạng bán thầu sai quy định. Nhà thầu nào có đủ năng lực phải đưa vào thực hiện, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án.
“Các dự án đã được phê duyệt phải triển khai nhanh, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, tránh đội vốn bất hợp lý. Phải kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Động viên, cổ vũ, khen thưởng những cá nhân, tổ chức làm tốt. Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh chồng chéo”, Thủ tướng chỉ rõ đồng thời yêu cầu Bộ GTVT cũng phải triển khai quyết liệt nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao 200km/h có thể di chuyển từ Hà Nội vào TP. HCM chỉ trong 8 tiếng; Hoàn thiện các thủ tục, đề xuất các dự án hợp tác công tư cho tốt, đặc biệt tại các dự án đang làm như: Lạng Sơn - Cao Bằng, Hoà Bình - Sơn La, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Nhận diện chính xác khó khăn, đổi mới tư duy, phát huy trí tuệ tập thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội; dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, với quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, mặc dù kế hoạch năm 2022 đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng với khối lượng công việc lớn nhất từ trước tới nay nhưng với quyết tâm, trách nhiệm, nỗ lực, ngay từ đầu năm Ban cán sự đảng, tập thể Lãnh đạo Bộ, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT đã chủ động nắm bắt tình hình, nhận diện chính xác các khó khăn, đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, làm việc không kể ngày đêm; phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tham khảo mô hình mới, cách làm hay để cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đề ra.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, trong năm 2022, Bộ GTVT đã quán triệt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đó có nhiệm vụ trọng tâm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bộ GTVT đã hoàn thành, trình Chính phủ ban hành 8/8 Nghị định, ban hành 49 Thông tư theo thẩm quyền, đạt 100% kế hoạch.
Bộ GTVT đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các văn kiện của Đại hội, Bộ GTVT đã hoàn thành 5/5 quy hoạch ngành quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04/05 quy hoạch, là một trong những bộ hoàn thành công tác lập quy hoạch sớm nhất.
Hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực. Sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng. Đến hết 31/12/2022, so với cùng kỳ, khối lượng hàng hóa tăng 23,7%; luân chuyển hàng hóa tăng 29,4% , khối lượng vận chuyển hành khách tăng 52,8%; luân chuyển hành khách tăng 78,3% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý là vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới; theo Tạp chí Lloyd’s List của Anh, Việt Nam có 3 cảng nằm trong top 50 cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới gồm: Cảng TP. Hồ Chí Minh (đứng thứ 22), Cảng Hải Phòng (đứng thứ 28), Cảng Cái Mép (đứng thứ 32).
Do Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian. Kết quả đã giảm 01 đầu mối cấp Tổng cục , 04 đầu mối cấp Vụ , 01 đầu mối cấp Cục , 04 đầu mối cấp chi cục , 02 trung tâm và không còn Phòng trong Vụ.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, mặc dù còn nhiều khó khăn từ chủ quan và khách quan mang lại nhưng Bộ GTVT vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó. Nguyên nhân của thành công là phải bám sát các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tổ chức quán triệt, lan tỏa sâu rộng đến từng cán bộ, công chức, viên chức để “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như lời đồng chí Tổng bí thư đã nói.
Hai là, quá trình chỉ đạo điều hành phải đảm bảo kỷ cương, linh hoạt, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả; Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân tất cả các chủ thể trong từng việc, từng khâu đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.
Ba là, nhiệm vụ đột phá phát triển kết cấu hạ tầng trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cần phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành trung ương, sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị các địa phương, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.
Bốn là, cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo; các nhiệm vụ của ngành phải được chủ động triển khai từ những ngày đầu, tháng đầu, với phương châm “từ sớm, từ xa”; đi đôi với việc triển khai thực hiện, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát.
Quyết tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả từ các Bộ, ngành, địa phương, Bộ GTVT đã đạt được nhiều thành tựu lớn.
Cụ thể, Bộ GTVT đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tạo môi trường bình đẳng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động SXKD, trình Chính phủ 8/8 nghị định, 49 thông tư theo thẩm quyền.
Việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới đảm bảo cả 3 mục tiêu “chất lượng, tiến độ, hiệu quả”. Chỉ riêng năm 2022, Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, trong đó chỉ riêng Kỳ họp lần thứ III, đã thông qua 5 dự án.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án; trong đó có nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, đường cất hạ cánh tại 2 cảng Hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, 02 dự án đường sắt trên tuyến ĐS Hà Nội - TP. HCM, thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Hoàn thiện toàn bộ thủ tục theo đúng quy định pháp luật để khởi công 18 dự án động lực như nhà ga T3 CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Rạch Miễu 2 và đặc biệt lần đầu tiên ngành GTVT tổ chức khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông với 12 dự án thành phần. Đáng chú ý là, tính từ thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư đến thời điểm khởi công chỉ chưa đầy 1 năm, rút ngắn hơn một nửa thời gian chuẩn bị so với trước đây. Công tác điều hành kế hoạch vốn kịp thời, linh hoạt.
Tỷ lệ giải ngân tiếp tục duy trì trong nhóm đầu của các bộ ngành. Tính đến 31/12/2022, Bộ GTVT giải ngân lên đến 47.905 tỷ, khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022 so với bình quân cả nước khoảng hơn 75%; dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao.
Các cơ quan thuộc Bộ đã hoàn thành 22 chỉ tiêu/nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng Chính phủ điện tử; duy trì cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận và xử lý 300 nghìn hồ sơ (tăng 15% so với năm 2021); cơ bản hình thành 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung. Triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, Bộ GTVT đã hoàn thành 10/10 nhiệm vụ chung và 02 nhiệm vụ cụ thể (kết nối cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe và cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện ô tô với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); triển khai mở rộng dịch vụ công mức độ 4 “đổi giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp” trên phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022.
Trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã trình Ban chỉ đạo Chính phủ, trình và được Bộ Chính trị phê duyệt đề án tái cơ cấu SBIC”, Bộ trưởng chia sẻ.
Trình bày các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, Bộ trưởng khẳng định, năm 2023 dự kiến tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, khó dự báo hơn so với năm 2022. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phát huy những kết quả đạt được, Bộ GTVT quyết tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá trong đầu tư KCHTGT; xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội phát triển hệ thống KCHTGT; tăng cường quản lý hoạt động vận tải và triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tập trung chỉ đạo hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, tổ chức xây dựng, khai thác, quản lý KCHTGT; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong mọi hoạt động công tác.
Để tiếp tục thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra trong năm 2023 và kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, ngoài nỗ lực lớn, quyết tâm cao của ngành GTVT, kính đề nghị:
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Ngành; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác đầu tư phát triển KCHTGT.
Các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm phối hợp, hỗ trợ Bộ GTVT trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của Ngành; phối hợp xây dựng, tham mưu Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý để thu hút hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách trong đầu tư phát triển KCHTGT.
Các tỉnh, thành phố đồng hành cùng Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu, di dời hạ tầng kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm; chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT, kiểm soát tải trọng phương tiện, chuẩn bị các phương án phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Lễ, Tết và mùa Lễ hội xuân 2023; tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ KCHTGT.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, Ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND T.p Hà Nội, UBND T.p Hồ Chí Minh...các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT và các địa phương sẽ có nhiều tham luận thiết thực, đưa ra các giải pháp hay cũng như các tồn tại, vướng mắc của đơn vị hoặc địa phương để kiến nghị lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT cũng như các địa phương khác hỗ trợ, đồng hành trong quá trình thực thi nhiệm vụ…../.
Ngày 15 tháng 01 năm 1956 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 666-TTg thành lập Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
Sáng ngày 13/01, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Các hãng Hàng không Việt Nam (HKVN) đã bổ sung thêm 522 chuyến bay trên các đường bay nội địa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Vietnam Airlines xếp thứ 22/25 hãng hàng không an toàn nhất thế giới