Theo đó, sản lượng khai thác và mạng đường bay giai đoạn 2015-2019, lượng khách thông qua Cảng HKQT Cần Thơ tăng trưởng trung bình là 29%/năm. Năm 2019, lượng khách thông qua đạt 1,34 triệu khách, tăng 65% so năm 2018 trong đó có 57,3 nghìn khách quốc tế.
Các hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Airvà Bamboo Airways khai thác 08 đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Nha Trang, Côn Đảo và Liên Khương đi/đến Cần Thơ với tổng tần suất là 120 chuyến bay khứ hồi/tuần bằng các loại tàu bay A320/A321, hệ số sử dụng ghế (HSSDG) trung bình đạt 74%, trong đó đường bay Hà Nội-Cần Thơ có HSSDG lên tới 76%.
Đối với đường bay quốc tế, các hãng hàng không AirAsia (Malaysia) và Thai AirAsia (Thái Lan) khai thác 02 đường bay từ Kuala Lumpur, Băng Cốc đi/đến Cần Thơ với tổng tần suất 07 chuyến khứ hồi/tuần.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động khai thác đi/đến Cảng HKQT Cần Thơ trong năm 2020 và 2021 sụt giảm mạnh. Lượng khách đi/đến Cảng HKQT năm 2020 đạt 01 triệu khách, giảm 22,3% so năm 2019; năm 2021 chỉ còn 513 nghìn khách, giảm 50,6% so năm 2020 và giảm 61,5% so năm 2019.
Sang năm 2022, với tình hình phòng chống dịch bệnh đạt được nhiều kết quả khả quan và dần gỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19, thị trường hàng không đi/đến Cần Thơ đang phục hồi. Các hãng hàng không Việt Nam đang khôi phục lại các đường bay nội địa đến Cần Thơ với mạng đường bay và tần suất ở mức tương đương với năm 2019. Quý I/2022, lượng hành khách thông qua Cảng HKQT Cần Thơ đạt 188 nghìn khách, bằng 82% so cùng kỳ 2019.
Theo lịch bay mùa Hè 2022 (từ 27/3/2022 đến 29/10/2022), 03 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways khai thác 07 đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Phú Quốc và Côn Đảo đi/đến Cảng HKQT Cần Thơ với tần suất là 125 chuyến bay/tuần (từ 16-18 chuyến bay/ngày).
So cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19), số đường bay giảm 01 đường từ Nha Trang đi/đến Cần Thơ nhưng tần suất khai thác tăng 05 chuyến bay khứhồi/tuần. Đối với hoạt động quốc tế, các hãng hàng không Thai AirAsia (Thái Lan) và AirAsia (Malaysia) mong muốn khai thác trở lại các đường bay từ Kuala Lumpur, Băng Cốc đi/đến Cần Thơ thông qua việc xin lại Slot trong lịch bay mùa Hè 2022.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại đồng bằng sông Cửu Long, các hãng hàng không hiện đang áp dụng mức giá vé trên các đường bay từ Cần Thơ đi/đến các cảng hàng không khác thấp hơn so với mặt bằng các đường bay tương tự từ TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả vận chuyển quý I/2022 cho thấy đã có những dấu hiệu tích cực khi sản lượng thông qua đạt trên188 nghìn khách và bằng 82% so cùng kỳ 2019. Trong giai đoạn từ ngày 01/4 đến ngày 12/4/2022, lượng hành khách đi/đến Cần Thơ đạt 42,3 nghìn khách tăng 11% so cùng kỳ năm 2019 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong dịp nghỉ Lễ 30/4- 01/5 cũng như Hè 2022 khi các hãng hàng không đưa ra các chương trình khuyến mại, kích cầu.
Tuy nhiên, các đường bay đi/đến Cần Thơ chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại nội tại của bà con nhân dân khu vực này. Khách du lịch đến Cần Thơ, nguồn khách lớn của các hãng hàng không trên các đường bay nội địa vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, kết hợp công tác là chính mà chưa phải là nguồn khách lớn, thường xuyên, ổn định do sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp; cơ sở lưu trú còn hạn chế và công tác quảng bá du lịch của Cần Thơ chưa thực sự hiệu quả.
Điều này thể hiện khá rõ khi Cần Thơ là Thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Cảng HKQT Cần Thơ cũng là cảng hàng không có quy mô đứng thứ 6 trong các cảng hàng không của Việt Nam. Tuy nhiên nếu so sánh với các địa phương có cảng hàng không khác như Hải Phòng (Cát Bi), Nghệ An (Vinh), Lâm Đồng (Liên Khương) hay Thừa Thiên-Huế (Phú Bài) thì lượng khách thông qua Cảng HKQT Cần Thơ đều thấp hơn các cảng hàng không này và không thể so sánh với các điểm cảng hàng không ở các điểm du lịch khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc.
Các hãng hàng không Việt Nam đã có nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại với các mức giá vé thấp hơn so với các đường bay có độ dài tương đương trên các đường bay đên Cần Thơ. Tuy nhiên việc chưa thu hút được nhiều khách du lịch đến Cần Thơ cũng là một nguyên nhân khiến các hãng hàng không phải cân nhắc bài toán chi phí khi mở rộng hoạt động khai thác đến Cần Thơ, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu JetA1 tăng hơn 50% so với năm 2018.
Với hạ tầng cảng hàng không hiện tại, vào giai đoạn cao nhất trước dịch Covid-19 thì Cảng HKQT Cần Thơ mới chỉ đạt hơn 40% công suất của nhà ga và xấp xỉ 15% công suất của đường cất/hạ cánh. Điều này cho thấy, không có khó khăn, cản trở khi Cảng HKQT Cần Thơ tiếp nhận thêm nhiều chuyến bay đi/ đến.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường khai thác đến Cần Thơ, mở rộng hơn nữa khả năng kết nối giao thương giữa Cần Thơ với các địa phương trên cả nước, cũng như mở rộng kết nối mạng đường bay quốc tế nhằm sớm đưa Cần Thơ trở thành một trung tâm vận chuyển hàng không quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của cả khu vực, Cục HKVN đề xuất Bộ GTVT:
- Sửa đổi Thông tư về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không. Theo đó áp dụng mức giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định đối với toàn bộ các chuyến bay quốc tế, nội địa đi/đến Cần Thơ (thường lệ, không thường lệ) đến hết năm 2025 bằng 30% khung giá và từ 2026 -hết 2030 bằng 70% khung giá.
- Áp dụng điều chỉnh giá trần vận chuyển hành khách nội địa thường lệ trên các đường bay nội địa đi/đến Cần Thơ bằng 80% so với khung độ dài đường bay hiện tại, thí điểm từ nay đến hết năm 2022; kiến nghị Tỉnh Cần Thơ và các tỉnh khác thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có cơ chế hỗ trợ, chính sách chính sách ưu đãi cho các hãng hàng không khai thác đến Cần Thơ.
- Ưu tiên xác nhận giờ hạ cất cánh (slot) tại các Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất cho các chuyến bay đến các Cảng HKQT Cần Thơ (bắt đầu áp dụng sau khi tăng tham số điều phối tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất dự kiến từ ngày 01/5/2022); yêu cầu ACV và Cảng HKQT Cần Thơ bố trí khai thác khai thác 24/7 để có thể tiếp nhận các chuyến bay quốc tế trong khung giờ tối khi có nhu cầu.
- Xem xét việc nâng cao năng lực phục vụ tại Phú Quốc (bổ sung quầy làm thủ tục, nhân lực phục vụ...), sớm đưa Cảng HKQT Cần Thơ đảm bảo khai thác 24/7 để có thể tiếp nhận các chuyến bay quốc tế trong khung giờ tối và sớm có kế hoạch nâng cấp, cải tạo và mở rộng các cảng hàng không Cà Mau, Rạch Giá có khả năng tiếp nhận tàu bay A320/321 nhằm đẩy mạnh tiềm năng du lịch, kết nối giao thương trong nước và khu vực.
- Miễn thị thực đối với hành khách người nước ngoài trên các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến Cảng HKQT Cần Thơ và có kế hoạch lưu trú tại Tp.Cần Thơ tối thiểu 02 đêm.
- Tăng cường xây dựng các chương trình du lịch có trọng tâm, trọng điểm đối với các đối tượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long để phát huy thế mạnh vùng, kết nối sản phẩm du lịch vùng với các địa phương khác để cung cấp cho khách du lịch các sản phẩm đa đạng, đồng bộ; sớm tổ chức Hội thảo quảng bá du lịch, điểm đến Cần Thơ với sự tham gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Tp Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.../.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc thành lập Ban chỉ đạo chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.
Sáng 10/11, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines”.
(CANSO) - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan mới đây đã ký một Biên bản ghi nhớ (MOU) để triển khai sáng kiến chia sẻ dữ liệu an toàn và thông tin an toàn hàng không khu vực với mục tiêu nâng cao an toàn hàng không khi mà lưu lượng bay đã phục hồi hoàn toàn kể từ Đại dịch Covid-19.