Năm 2016 ghi dấu mốc 19 năm ngành Hàng không Việt Nam đảm bảo tuyệt đối an toàn trong các hoạt động hàng không. Tuy nhiên, an toàn hàng không phải là một quá trình được duy trì và cải tiến liên tục có sự tham gia của tất cả các đơn vị trong ngành hàng không và do đó đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động của tất cả các cấp quản lý nhằm liên tục cải tiến và hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý tại các đơn vị, đặc biệt khi tính phức tạp của các hoạt động hàng không (hoạt động bay, số lượng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng không, cơ sở hạ tầng sân bay,…) ngày càng gia tăng.
Công tác đảm bảo an toàn hàng không năm 2016 được thực hiện tốt hơn so với năm 2015, thể hiện qua tổng số sự cố so với năm 2015 (giảm 9%) và không xảy ra sự cố nghiêm trọng (sự cố mức B). Hầu hết các chỉ số sự cố trên 1000 chuyến bay trong năm 2016 đều giảm so với năm 2015, bao gồm chỉ số sự cố (-23%), chỉ số sự cố theo nguyên nhân và chỉ số sự cố theo mức độ uy hiếp an toàn. Điều này thể hiện quá trình thực hiện quyết liệt đồng thời nhiều biện pháp, giải pháp của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không nhằm đảm bảo an toàn hàng không trong năm 2016, trong đó có có việc triển khai mạnh mẽ chương trình hành động „Năm an toàn giao thông hàng không 2016“.
Năm 2016, Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đã thực hiện thanh tra hệ thống bảo đảm an toàn hàng không Việt Nam. Kết quả ban đầu cho thấy tỉ lệ triển khai hiệu quả hệ thống đảm bảo an toàn hàng không của Việt Nam đạt 67,5 %, cao hơn mức trung bình thế giới (63.32%) và khu vực châu Á – Thái Bình Dương (61.09%) và vượt mục tiêu so với kế hoạch an toàn toàn cầu do ICAO đề ra (62%) và không có bất kỳ quan ngại nào về an toàn.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn giao thông hàng không năm 2016 vẫn chưa thực sự vững chắc, thể hiện qua số lượng sự cố do con người tăng dẫn đến chỉ số sự cố xảy ra do con người trong năm 2016 tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015. Đây cũng là chỉ số duy nhất trong năm 2016 tăng so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó là các vụ việc xảy ra trong khu bay liên quan đến môi trường khai thác như tàu bay bị cắt lốp… theo thống kê của các hãng hàng không gia tăng, liên quan đến công tác xây dựng, nâng cấp đường cất hạ cánh, tình trạng kỹ thuật của các phương tiện phục vụ mặt đất, quản lí vật ngoại lai…
Ngành Hàng không Việt Nam đặt mục tiêu chính trong năm 2017 sẽ đạt mức độ giám sát an toàn CAT I của Cục Hàng không liên bang Mỹ; Duy trì không để xảy ra tai nạn và sự cố nghiêm trọng (mức B); Giảm 5% tỉ lệ sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao (mức C) và sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D) so với năm 2016.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai quyết liệt kế hoạch hành động “Năm an toàn giao thông hàng không – 2017“ được ban hành theo công văn số 4903/KH-CHK ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Cục trưởng Cục HKVN. Tiếp tục khắc phục khuyến cáo theo Chương trình đánh giá an toàn hàng không toàn cầu (USOAP) của ICAO.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ kế hoạch khắc phục khuyến cáo đã được thống nhất giữa Cục HKVN và FAA để đạt mức độ về năng lực giám sát an toàn CAT I của Cục Hàng không liên bang Mỹ.
Hội đồng kiểm soát rủi ro an toàn hàng không (ASRMC), nhóm tiêu chuẩn hóa an toàn hàng không (ASST) và bộ phận thu nhập và phân tích dữ liệu an toàn hàng không (ASICA) tiếp tục thực hiện chức năng theo dõi, giám sát trong từng lĩnh vực nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình an toàn Quốc gia (SSP), đổi mới phương thức hoạt động…
Tiếp tục thực hiện kế hoạch giám sát liên tục theo kế hoạch kiểm tra năm MARI (Minimum Annual Required Inspection) các hãng hàng không trong nước, xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn khai thác tàu bay đối với các đơn vị, người khác thác tàu bay, kể cả các hãng hàng không nước ngoài khai thác đi - đến Việt Nam, các tổ chức bảo dưỡng, tổ chức huấn luyện năm, đơn vị cung cấp dịch vụ. Bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không.
Tiếp tục và tăng cường công tác phân tích sự cố an toàn bay, hệ thống tham số bay nhằm chủ động giảm thiểu, ngăn ngừa các nguy cơ gây mất an toàn bay trong đó đặc biệt chú trọng tới yếu tố con người.
Các tổ chức bảo dưỡng tăng cường năng lực giám sát các hoạt động bảo dưỡng tàu bay, phân tích và điều tra các sai lỗi bảo dưỡng nhằm đề ra các biện pháp phòng ngừa việc tái diễn.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không tăng cường công tác quản lý sự thay đổi, quản lý rủi ro trong đó đặc biệt lưu ý tới sự thay đổi cơ sở hạ tầng, đường bay, phương thức bay, loại tàu bay nhằm đảm bảo nhận dạng được các rủi ro an toàn và có biện pháp giảm thiểu, phòng ngừa tương ứng.
Tiếp tục triển khai sâu, rộng các yêu cầu về Hệ thống quản lý an toàn tới các tổ chức, cá nhân mới tham gia vào hoạt động hàng không; hoàn thiện bộ chỉ số an toàn hàng không và thực hiện đồng bộ hệ thống quản lý an toàn của tất cả các đơn vị trong ngành hàng không; tăng cường công tác báo cáo tự nguyện và nâng cao văn hóa an toàn hàng không.
Đối với việc xảy ra nhiều vụ tàu bay bị cắt lốp của các hãng hàng không, Cục HKVN yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thực hiện các giải pháp công nghệ tiên tiến để quản lý môi trường khai thác (vật ngoại lai, chim…), tăng cường hiệu quả của chương trình an toàn đường cất hạ cánh, các Cảng vụ hàng không đẩy mạnh công tác giám sát khu bay, các đơn vị cần phối hợp thực hiện, thông tin kịp thời.
Phòng Tiêu chuẩn An toàn bay