Duy trì không khí khẩn trương thi công trên đại công trường dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

Thứ Năm, 07/04/2022 - 15:26 GMT+7

Sáng ngày 06/4/2022, Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã tổ chức phiên họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Hình thành đại công trường nhộn nhịp

Sau 2 tháng ra quân đến nay Dự án đã hình thành đại công trường nhộn nhịp, không khí thi đua lao động sôi nổi của cán bộ nhân viên, các mũi thi công được triển khai tối đa, thi công liên tục 3 ca.

 

Công tác điều hành dự án đã đi vào nền nếp. Tại Phân khu 1 trụ sở hiện trường, các tổ, đội tiến hành giao ban hàng ngày, các báo cáo khối lượng được cập nhật liên tục, Ban QLDA giao hàng tuần, Chủ đầu tư (ACV) tổ chức giao ban hiện trường hàng tháng và mời các chuyên gia của Bộ GTVT và các cơ quan đơn vị liên quan (cảng vụ, địa phương...) cùng tham gia.

Công tác huy động trang thiết bị, máy móc, nhân lực đạt yêu cầu với hơn 700 đầu máy, trang thiết bị được tổ chức thi công thành 32 dây chuyền đào đắp, sẵn sàng bảo đảm thi công 3 ca liên tục.

Sau khi hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng ngày 16/3/2022, ACV cũng đã tổ chức khởi công ngày 30/3/2022 hạng mục cọc, nền móng nhà ga hành khách, công trình quan trọng nằm trên đường găng chính quyết định tiến độ của toàn bộ đại dự án.

 

Sau hơn một tháng thi công, công tác san nền đã hoàn thành toàn bộ các vị trí khoan cọc thử, song song với việc cập nhật tiến độ tại các báo trước tổng khối lượng đạt được đến hết tháng 3/2022 đạt 2,5 triệu khối đào đắp vượt 500.000 khối so với kế hoạch.

Việc huy động công suất tối đa thi công 3 ca có thể đạt 12.000 khối/dây chuyền/ngày với 32 dây chuyền tổng công suất thi công 3 ca máy/ngày đêm có thể đạt gần 400.000 khối một ngày đêm.

Tuy nhiên, do hiện trạng mặt bằng còn nhiều hạn chế "xôi đỗ" và thiếu mặt bằng tại các khu đắp, lu lèn, đắp đất dự trữ nên chưa phát huy hết công suất, một sổ dây chuyền còn hoạt động 1 ca, cầm chừng đợi mặt bằng.

 

Ông Lại Xuân Thanh cho biết, ACV đã chuẩn bị đủ đối ứng 36.000 tỷ đồng sẵn sàng cho dự án. Năm 2022, dự kiến ACV sẽ giải ngân khoảng 8.500 tỷ đồng cho Dự án thành phần 3, chủ yếu cho các gói thi công san nền (từ cuối tháng 1/2022), thi công nhà ga hành khách (phần móng cọc từ tháng 3, phần thân từ tháng 10/2022), thi công khu bay (từ tháng 12/2022), cũng như thiết kế kỹ thuật cho các hạng mục này, và giải ngân giải phóng mặt bằng hệ thống giao thông kết nối.

Giá trị giải ngân sẽ tăng dần lên 20.000 tỷ đồng vào năm 2023, khi tất cả các hạng mục đều được triển khai thi công đồng loạt, và đạt giá trị lớn nhất vào năm 2024-2025, dự kiến trên 25.000 tỷ đồng.

  

(Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp Ảnh: (chinhphu.vn).

 

ACV cho biết, khi hoàn thành dự án với lưu lượng 80% hành khách quốc tế đi và đến Sân bay Long Thành, hầu hết có nhu cầu đến TPHCM. Hiện nay, các tuyến giao thông kết nối các tỉnh với TPHCM có quy mô nhỏ, lưu lượng, mật độ giao thông lớn thường xuyên ùn tắc khi xảy ra sự cố giao thông. Với tiến độ năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác, việc xem xét, mở rộng các tuyến giao thông kết nối từ khu vực Long Thành về TPHCM là rất cần thiết. ACV kiến nghị sớm đẩy nhanh việc mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành và nút giao An Phú để bảo đảm hành khách quốc tế đi và đến Sân bay Long Thành được thuận lợi.

 

Giải quyết xong tình trạng "xôi đỗ" trong tháng 4

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng, tỉnh Đồng Nai đã tích cực bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, mặt bằng còn tình trạng "xôi đỗ". Tỉnh Đồng Nai đã bàn giao được 1.589/1810 ha đất xây dựng và 466,79/722 ha đất dự trữ đất nhưng có 304 ha (khu vực 1.810 ha) và 340,59 ha (khu vực 722 ha và mặt bằng giai đoạn 2) bị "xôi đỗ", ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức thi công đắp đất dự trữ.

 

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tập trung công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 trước ngày 30/6/2022, bàn giao mặt bằng sạch, đặc biệt giải quyết dứt điểm các hộ dân tại các khu vực "xôi đỗ" trước ngày 30/4/2022.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, các dự án thành phần của ACV đang được triển khai tích cực, có hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, ông lưu ý, "đây là các dự án lớn, tổng thể có nhiều hạng mục, phải về đích cùng thời điểm mới vận hành được nên phải hài hòa, nhịp nhàng tiến độ các hạng mục".

 

Trước tình trạng mặt bằng "xôi đỗ", ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, cách đây 2 tuần, ông đã chỉ đạo Chủ tịch huyện Long Thành dừng các công việc khác để xuống ngay hiện trường dự án, giải quyết cho xong các vấn đề tồn tại ở sân bay.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng tái định cư đến nay mới cơ bản hoàn thành, người dân cần có thời gian (khoảng 6 tháng) xây dựng nhà di dời đến nơi ở mới. Trong khu vực xây dựng giai đoạn 1 có 700 hộ cần bố trí tái định cư và khu vực dự trữ đất dôi dư có 550 hộ cần bố trí tái định cư. Tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền vận động người dân di dời sớm.


 
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại cuộc họp (Ảnh:chinhphu.vn)


Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 146 hộ chưa thể di dời kịp tiến độ bàn giao do chưa hoàn thành xây dựng nhà tái chính dự. Tỉnh sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ tạm cư (4,5 triệu đồng/hộ/tháng) trong thời gian chờ xây nhà tái định cư để vận động các hộ sớm bàn giao mặt bằng. Ông Cao Tiến Dũng cam kết trong tháng 4, sẽ giải quyết xong tình trạng "xôi đỗ" đối với phần mặt bằng 2.500 ha. Phấn đấu trong tháng 6/2022 sẽ bàn giao toàn bộ 5.000 ha mặt bằng.

 

Thi công 3 ca liên tục, đồng loạt trên toàn bộ mặt bằng

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án. "Đặc biệt, chúng ta rất mừng trước sự chuyển biến tích cực của ACV, Ban Quản lý dự án", Phó Thủ tướng nói. Chỉ trong 2 tháng, ACV đã tạo chuyển biến đáng kể trên công trường. Đã thành lập Ban Quản lý dự án với đầy đủ chức năng, tư cách pháp lý, bộ máy nhân sự để triển khai; đã xây dựng được nhà điều hành của Ban Quản lý đặt ngay tại công trường. "Đây là dự án trọng điểm quốc gia thì phải có ban quản lý dự án xứng tầm".

 

Cho rằng không khí tại công trường khởi sắc đáng kể, Phó Thủ tướng đánh giá, nhà thầu đã huy động nhiều trang thiết bị, máy móc, nhân lực để tổ chức làm 3 ca. Kết quả chuyển biến trên công trường cho thấy "các đồng chí triển khai với tinh thần trách nhiệm rất cao, xứng tầm với dự án trọng điểm".

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phải triển khai bằng được, khánh thành dự án vào năm 2025; chất lượng phải đặt lên hàng đầu; phải luôn luôn chú trọng biện pháp phòng, chống lãng phí. Bên cạnh đó, các công trình phải được triển khai đồng bộ nhằm bảo đảm tính kết nối, liên hoàn.  

Kiểm tra lại phương án thi công, phối hợp với địa phương phương án triển khai thi công đồng bộ trên toàn bộ mặt bằng đã bàn giao, tránh tình trạng phân chia tiến độ, không hiệu quả. Trong thời gian tới, phải tiếp tục kiện toàn Quy chế làm việc, bộ máy của Ban Quản lý dự án. Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ, kỹ sư, chuyên gia trên công trường.


(Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: chinhphu.vn)
 

Đối với tỉnh Đồng Nai, phải làm rốt ráo, quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm mục tiêu bàn giao toàn bộ 1.810 ha khu vực xây dựng Cảng Hàng không giai đoạn 1 và khu vực dự trữ đất dôi dư (722 ha) trước ngày 30/4/2022; bàn giao 5.000 ha của cả dự án vào tháng 6/2022. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, quyết định thành công của dự án. Do đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân đồng thuận triển khai thực hiện dự án.

 

Đối với hạng mục nhà ga, đường băng, hai công trình "hồn cốt" của Cảng, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, ACV chủ động phối hợp chặt chẽ để bảo đảm mục tiêu hoàn thành phê duyệt thiết kế trong tháng 7/2022, để có thể khởi công nhà ga trong tháng 10/2022, khởi công đường băng vào tháng 12/2022.

Đối với các công trình của ngành hải quan, thuế, công an, y tế, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và địa phương để hoàn tất quá trình chuẩn bị đầu tư, bảo đảm khởi công đồng bộ từ đầu năm 2023.

 

Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về định mức, đơn giá vật liệu. Đối với các công trình giao thông kết nối, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch, bảo đảm có tầm nhìn xa, đáp ứng nhu cầu giao thông nội bộ và khả năng kết nối cảng hàng không quốc tế quy mô đến 100 triệu khách/năm với TPHCM và các địa phương, tránh tình trạng nhỏ lẻ, manh mún. Trên cơ sở quy hoạch, có kế hoạch phân kỳ đầu tư phù hợp.

 

Xác định khối lượng công việc là đặc biệt lớn, trong khi thời gian không còn nhiều, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, các thành viên Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động đi kiểm tra, nắm bắt tình hình trên công trường. Ban Chỉ đạo duy trì họp giao ban định kỳ hàng tháng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án./.

(chinhphu.vn)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website