United Airlines công bố kế hoạch hồi sinh dịch vụ máy bay siêu thanh

Thứ Hai, 07/06/2021 - 07:51 GMT+7

United Airlines sẽ mua 15 máy bay Overture của Boom Supersonic ngay sau khi giới chức Mỹ xác nhận các mẫu máy bay này đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn, vận hành và độ bền.

Ngày 3/6, hãng hàng không United Airlines đã công bố kế hoạch mua 15 máy bay siêu thanh Overture của công ty khởi nghiệp Boom Supersonic, một tín hiệu cho thấy hãng hàng không Mỹ đang nỗ lực hồi sinh dịch vụ vận tải hành khách sử dụng máy bay siêu thanh, vốn bị gián đoạn từ năm 2003.

Theo thỏa thuận, United Airlines sẽ mua 15 máy bay Overture của Boom Supersonic ngay sau khi giới chức Mỹ xác nhận các mẫu máy bay này đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn, vận hành và độ bền.

Thông báo chung của 2 công ty nêu rõ mục tiêu đưa các máy bay siêu thanh vào phục vụ vận tải hành khách năm 2029.

Bên cạnh điều khoản về việc mua bán 15 máy bay, thỏa thuận giữa United Airlines và Boom còn bao gồm lựa chọn mua thêm 35 máy bay siêu thanh khác trong tương lai. Giá trị tài chính của hợp đồng trên không được 2 bên công bố.

Boom Supersonic khẳng định máy bay do hãng phát triển có thể bay với tốc độ gấp đôi loại máy bay nhanh nhất đang lưu hành, ước tính bay từ Newark, Đông Bắc nước Mỹ tới thủ đô London của Anh chỉ trong 3,5 giờ.

Loại máy bay này được mô tả là thân thiện với môi trường vì sẽ sử dụng nhiên liệu tái tạo.

Boom Supersonic được thành lập năm 2014, có trụ sở tại thành phố Denver. Hiện công ty đã nhận được 270 triệu USD vốn đầu tư và cũng đang tham gia một dự án hợp tác với Không quân Mỹ để phát triển một phiên bản quân sự của Overture.

Tuyên bố trên mở đường hồi sinh tham vọng đưa máy bay siêu thanh vào lưu hành thương mại giống dự án Concorde từng nhận được sự ủng hộ lớn những năm đầu thế kỷ 21.

Tuy nhiên, các chuyên gia không lạc quan về cơ hội hiện thực hóa tham vọng này, đặc biệt là với khung thời gian thần tốc như trong tuyên bố của United Airlines và Boom.

Máy bay siêu thanh Overture của công ty Boom Supersonic. (Nguồn: PA)

Chuyên gia Michel Merluzeau, đến từ công ty tư vấn AIR, cho rằng đây là một ý tưởng hay nhưng còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ đồng thời ước tính việc phát triển một máy bay siêu thanh sử dụng cho mục đích thương mại đáp ứng được các yêu cầu của nhà quản lý có thể tiêu tốn 10-15 tỷ USD.

Chuyên gia này cũng dự đoán phải đến năm 2035 hoặc 2040 thì việc thương mại hóa máy bay siêu thanh mới có thể trở thành hiệc thực.

Máy bay siêu thanh từng được ra mắt từ những năm 1970 trong dự án của Concorde nhưng sau đó đã bị dừng khai thác vào năm 2003 một phần vì chi phí để đáp ứng các quy định môi trường quá cao.

Ngoài ra, máy bay của Concorde cũng liên quan một vụ tai nạn của hãng hàng không Air France năm 2000 khiến 113 người thiệt mạng.

Thời điểm đó, các máy bay của Concorde có thiết kế khoảng 100-144 ghế và có thể bay ở tốc độ gấp đôi tốc độ âm thanh. Loại máy bay này được 2 hãng hàng không gồm Air France và British Airways khai thác và chỉ những người giàu mới có thể mua được vé.

Công nghệ siêu thanh đang được các công ty Mỹ và nhiều nước quan tâm để phát triển các dòng máy bay nhẹ hơn, sử dụng chất liệu tiên tiến và thiết kế động cơ mới.

Giới chuyên gia nhận định việc các chuyến bay được thực hiện trong thời gian ngắn hơn sẽ là điểm thu hút với các khách hàng doanh nhân thường xuyên phải thực hiện các chuyến bay đường dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website