Bên trong một nhà chứa máy bay cách trung tâm thành phố Munich, Đức khoảng hơn 20km, ông Daniel Wiegand, CEO của công ty khởi nghiệp Lilium, vừa thử nâng cánh của một nguyên mẫu phương tiện thế hệ mới và giới thiệu đây sẽ trở thành một trong những chiếc taxi bay đầu tiên của thế giới.
Nhộn nhịp thị trường trị giá 850 tỷ USD
Ông Daniel Wiegand dè dặt khi tiết lộ về chi phí chế tạo nhưng hứa hẹn trong vài năm nữa, một dàn xe loại này có thể mang đến dịch vụ chở khách từ Manhattan đến sân bay quốc tế Kenedy (New York, Mỹ) chỉ trong vòng 10 phút với giá 70 USD. Kỳ vọng của vị CEO Lilium chỉ là một trong rất nhiều lời hứa hẹn của những CEO nhiều công ty khởi nghiệp chế tạo xe bay trên thế giới.
Vị Giám đốc điều hành trẻ, 34 tuổi Daniel Wiegand là người sáng lập ra Lilium, một trong những công ty khởi nghiệp bí ẩn và đầy hứa hẹn nhất trong cuộc đua chế tạo máy bay sử dụng hoàn toàn bằng điện khẳng định, chỉ cần có quy định quản lý rõ ràng và người dùng sẵn sàng, máy bay của Lilium hoàn toàn có thể chở khách tới khắp các thành phố mà không lo tắc đường. “Đây là phương tiện giao thông hoàn hảo, có thể cất và hạ cánh ở bất cứ đâu”, ông Wiegand cho biết và nhấn mạnh: “Phương tiện này rất nhanh, hiệu quả và ít tiếng ồn”.
Chiếc máy bay sơn màu đen - trắng mà ông Wiegand giới thiệu có hình dáng giống tàu lượn, với thân làm bằng sợi carbon và sải cánh rộng gần 11m. Giống như các taxi bay khác đang được chế tạo, phương tiện này sử dụng pin với tầm bay gần 300km/1lần sạc và tốc độ tối đa lên tới gần 300km/h.
Bên trong cabin hình bầu dục là ghế ngồi sang trọng cùng nhiều tiện ích khác đủ để phục vụ 4 hành khách và 1 phi công. Động cơ được thiết kế gọn bên trong 4 cánh với cánh tà luân phiên để máy bay có thể cất hạ cánh theo chiều dọc như trực thăng.
“Chi phí chế tạo rơi vào khoảng vài trăm nghìn USD mỗi chiếc”, ông Wiegand cho biết. Ngoài ra, vì phương tiện này không có nhiều bộ phận cơ khí nên chi phí bảo trì thấp và giá mỗi chuyến đi sẽ rẻ tương đương như một dịch vụ bay của Uber. Phía công ty này cũng mua các gói bảo hiểm đề phòng rủi ro.
Nếu thành công, phương tiện này sẽ chuyển đổi hoàn toàn hình thức vận tải đô thị, nơi hành khách sẽ sử dụng ứng dụng của Lilium để đặt chuyến bay từ một hệ thống các sân bay nhỏ có thể kết nối với các khu vực ngoại ô, thị trấn, đại học hoặc các trung tâm khác tới thành phố.
Chẳng hạn, khi máy bay có thể kết nối các khu vực trên khắp bang California ở Mỹ hoặc miền Nam nước Đức thì người dân tại đây sẽ không cần phải dùng tới tàu cao tốc.
Công ty khởi nghiệp của Đức Lilium đã kêu gọi được hơn 100 triệu USD từ các nhà đầu tư, là minh chứng cho hoạt động tích cực của các công ty tư nhân như Lilium đang nỗ lực hết sức để biến điều viễn tưởng thành hiện thực.
Lilium với 300 nhân viên hiện đang xin giấy phép hoạt động cho máy bay của mình từ Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu và dự kiến tiếp tục xin giấy phép từ Cơ quan quản lý Hàng không liên bang Mỹ (FAA).
Hiện tại, có ít nhất 20 công ty như Lilium trên thị trường taxi bay vốn được Công ty Morgan Stanley ước tính trị giá lên tới 850 tỷ USD tính đến năm 2040. Ông Larry Page, người đồng sáng lập Google đang rót tiền vào công ty khởi nghiệp Kitty Hawk do các kỹ sư trong lĩnh vực ô tô tự động của Google vận hành.
Các ông lớn trong ngành sản xuất máy bay như Boeing và Airbus cũng đang thực hiện các dự án tương tự. Nhiều nhà sản xuất ô tô bao gồm: Daimler, Toyota và Porsche cũng đang đầu tư vào ngành này. Uber đang phát triển dịch vụ taxi bay với kế hoạch mở dịch vụ từ năm 2023 tại Los Angeles, Dallas và Melbourne, Australia.
Ngổn ngang thách thức
Tuy nhiên, đến thời điểm này, để chế tạo một chiếc máy bay bền vững với chi phí hợp lý vẫn tồn tại nhiều thách thức lớn về kỹ thuật và công nghệ. Chưa kể, về phía cơ quan quản lý như FAA, vẫn còn một quá trình rất dài để có thể cân nhắc đầy đủ những mối lo về an toàn.
“Câu hỏi liệu chúng ta có thể xây dựng một nền tảng có thể tiếp cận rộng rãi tới tất cả mọi người và không chỉ dừng lại là thú chơi tiêu khiển của giới nhà giàu hay không? Và liệu chúng ta có thể chế tạo những phương tiện ít tiếng ồn, không làm ảnh hưởng tới cuộc sống dưới mặt đất không? Là những điều mà các nhà sản xuất cần phải trả lời rõ ràng”, Giám đốc điều hành Kitty Hawk, ông Sebastian Thrun nhấn mạnh.
Ông Eric Allison, người chịu trách nhiệm hoạt động taxi bay của Uber cho biết, những khó khăn về công nghệ của phương tiện bay không phức tạp như các phương tiện tự động lái, hơn nữa lưu lượng giao thông trên không thưa hơn dưới mặt đất chính là những lợi thế giúp taxi bay sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, ông Allison lưu ý, hiện tại chưa có công ty nào nhận được giấy phép của chính phủ để chính thức bay phục vụ thương mại.
Ngoài ra, còn có nhiều trở ngại khác mà các bên trong thị trường taxi bay cần vượt qua. Trước hết, đó là những hạn chế trong công nghệ pin đã cản trở phương tiện bay xa.
Thứ 2, việc các công ty xây dựng thành công nguyên mẫu không có nghĩa họ đã đến gần khả năng sản xuất hàng loạt. Hơn nữa, vấn đề giá phương tiện, cách vận hành cần phải thấp để chi phí mỗi chuyến bay vừa túi tiền hành khách.
Mặt khác, về phía các nhà quản lý, họ có thể hãm tốc độ phát triển máy bay bằng cách hạn chế số lượng phương tiện cất/hạ cánh trên một số tuyến bởi hiện tại chưa có đủ nhân viên kiểm soát không lưu xử lý lượng lớn chuyến bay qua lại các thành phố./.
(Nguồn:baogiaothong.vn)
Sau vụ tai nạn thảm khốc hôm 29/12/2024, Jeju Air đã công bố kế hoạch cắt giảm từ 10-15% hoạt động bay cho đến tháng 3 để tăng cường an toàn hoạt động.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ngày 6/1 thông báo đang điều tra về khả năng đã xảy ra sự cố bảo mật thông tin, sau khi có báo cáo cho rằng hàng chục nghìn tài liệu đã bị đánh cắp.
Đáp trả các lệnh trừng phạt, Nga đã cấm cửa máy bay từ "các quốc gia không thân thiện", buộc máy bay của Liên minh châu Âu phải chuyển hướng, khiến tiêu thụ nhiên liệu và chi phí tăng lên.
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030.