Phù hợp với chương trình nghị sự toàn cầu về biến đổi khí hậu, Singapore Airshow 2022 đã hợp tác với Công ty tư vấn hàng không Alton tổ chức “Diễn đàn Hàng không Bền vững” vào ngày 16-17/2.
Tuy nhiên, quy mô sự kiện được thu hẹp với gần 600 công ty tham gia đến từ hơn 39 quốc gia/vùng lãnh thổ, đại diện cho hơn 70% trong số 20 công ty hàng không vũ trụ hàng đầu toàn cầu.
Trước đó, khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát, Singapore Airshow 2020 có tổng cộng 930 công ty quốc phòng tham gia đến từ 45 quốc gia, với khoảng 30.000 người tham dự. Ban tổ chức ước tính năm nay sẽ chỉ có có khoảng 13.000 người tham dự.
Các chuyên gia từ khu vực nhà nước và tư nhân sẽ thảo luận về những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực hàng không bền vững, trong đó có chủ đề về tính bền vững của công nghệ tương lai trong các lĩnh vực linh hoạt trên không và hoạt động hàng không.
Sự phục hồi của ngành hàng không là một chủ đề khác chiếm vị trí trung tâm tại Triển lãm hàng không năm nay. Các giám đốc điều hành hàng đầu từ Avolon, BOC Aviation, CFM International, Malaysia Airlines và Rex Airlines, sẽ thảo luận về tốc độ phục hồi thị trường, khả năng phục hồi kinh doanh và các giải pháp hàng không bền vững tại “Diễn đàn CEO Hàng không." Diễn đàn sẽ mang đến cơ hội để trao đổi quan điểm về tăng trưởng trong lĩnh vực hàng không của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13/2, ông Leck Chet Lam, Giám đốc điều hành của Experia, đơn vị tổ chức Singapore Airshow 2022, đánh giá ngành hàng không đã chứng minh khả năng phục hồi trước đại dịch COVID-19 với việc vượt qua vô số trở ngại trong những năm qua.
Experia tự hào được "trải thảm đỏ" cho các cuộc trao đổi quan trọng, những mối quan hệ đối tác chiến lược và những ý tưởng mới sẽ giúp thúc đẩy chuyển đổi và phục hồi của lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng.
Một điểm mới nữa của Singapore Airshow 2022 là sẽ hầu như không sử dụng văn bản, tờ rơi, điều chưa từng thấy ở các triển lãm hàng không. Các tài liệu giới thiệu từ trước tới nay vẫn được in ấn giờ đây đều được số hóa. Các nền tảng trực tuyến, như trung tâm truyền thông số, cũng được thiết lập để giảm thiểu việc in ấn.
Triển lãm năm nay cũng sử dụng năng lượng từ 15.000 tấm điện Mặt Trời trên mái của khu triển lãm Changi.
Singapore Airshows 2022 sẽ tiếp tục có sự hiện diện của các công ty như Airbus, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, Bell, Boeing, Eaton Corporation, Israel Aerospace Industries, L3Harris Technologies, Leonardo, Lockheed Martin, Pratt & Whitney, Rafael Advanced Defense, Rolls-Royce, Safran, ST Engineering, Thales và Turkish Aerospace.
Một số nhà triển lãm mới trong lĩnh vực hàng không và quốc phòng như Tập đoàn Avnon từ Israel, Diethelm Keller Aviation từ Thụy Sỹ, Essentium từ Mỹ, Shell Aviation từ Singapore và Volocopter từ Đức cũng đã xác nhận tham gia.
Singapore Airshow 2022 cũng sẽ chứng kiến màn trình diễn trên không lần đầu tiên của máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas của Không quân Ấn Độ, sự trở lại của đội bay biểu diễn Jupiter của Indonesia sau lần tham dự gần đây nhất vào năm 2018, cũng như các màn trình diễn bay của trực thăng tấn công AH-64D Apache và tiêm kích F-16C của Không quân Singapore, tiêm kích F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ và máy bay ném bom B-52 Stratofortress của Không quân Mỹ.
Ngoài ra, các máy bay dân dụng A350-1000 của Airbus và B777-9 thân rộng của Boeing cũng tham gia trình diễn năm nay.
Do tình hình đại dịch COVID-19 vẫn phức tạp, Singapore Airshow 2022 sẽ không mở cửa cho công chúng tham quan.
Ban Tổ chức cho biết để bảo đảm an toàn, tất cả những người tham dự sẽ phải đăng ký trước, tiêm đủ vaccine theo danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xét nghiệm nhanh hàng ngày, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, ăn uống tại các khu vực chỉ định và không gian khu vực triển lãm thường xuyên được khử trùng./.
(TTXVN/Vietnam+)
Theo dự báo vận tải hàng không thế giới năm 2024 của Boeing, số lượng máy bay chở hàng trên toàn cầu có thể đạt 3.900 chiếc vào năm 2043, tăng gần 70% so với 2.340 chiếc trong năm 2023.
Từ ngày 4-12/11 đã có tới 80 chuyến bay bị hủy, trong đó có nhiều chuyến bay quốc tế liên quan đến các đầu điểm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và một số thành phố của Australia.
Động cơ bên phải của chiếc máy bay đã bốc cháy ngay sau khi cất cánh khiến máy bay phải đổ nhiên liệu xuống biển và quay đầu hạ cánh xuống Sân bay Fiumicino, Italy.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.