Cơ quan Hàng không dân dụng (CAA) của Anh cho biết sân bay Heathrow đông đúc của nước này có thể yêu cầu các hãng hàng không phải trả thêm phí đỗ nhằm có nguồn thu để bù đắp phần nào những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra.
Số lượng hành khách tại sân bay này đã giảm mạnh trong năm qua và trong những tháng gần đây vẫn ở mức thấp hơn 80% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch, khiến công ty vận hành sân bay thiệt hại khoảng 3 tỷ bảng (4,2 tỷ USD).
Heathrow đã đề nghị CAA cho phép nâng phí sử dụng sân bay để bù đắp tài chính, ít nhất là 2,6 tỷ bảng. Tuy nhiên, CAA cho rằng mức bù đắp 300 triệu bảng là hợp lý và quyết định từ năm 2022, sân bay Heathrow có thể tăng 1,4% phí đỗ, hiện đang là 21,08 bảng/hành khách, lên mức 21,38 bảng/hành khách.
Quyết định trên đã khiến khách hàng lớn nhất của Heathrow - Công ty IAG, chủ sở hữu hãng hàng không British Airways, tức giận.
Công ty này từ lâu than phiền rằng phí đỗ ở sân bay này đã ở mức đắt đỏ nhất thế giới. IAG cho rằng quyết định của nhà quản lý chẳng khác nào "trừng phạt" người tiêu dùng, đồng thời cho biết công ty sẽ cân nhắc các lựa chọn của mình.
Trong khi đó, Heathrow cũng không hài lòng với quyết định của CAA, cho rằng việc tăng phí ít như vậy (30 pence/hành khách) là không phù hợp và sẽ hủy hoại lòng tin của các nhà đầu tư vào việc làm ăn kinh doanh tại Anh.
Đáp lại, CAA khẳng định mức tăng này nhằm khuyến khích và cho phép Heathrow duy trì đầu tư, đảm bảo chất lượng dịch vụ và có thể chủ động phục vụ khi nhu cầu đi lại dự kiến sẽ tăng vào cuối năm nay.
Năm ngoái, Heathrow đã mất danh hiệu sân bay đông đúc nhất châu Âu vào tay Paris (Pháp). Sân bay này hiện có nhiều chủ đầu tư, trong đó có công ty Ferrovial của Tây Ban Nha, Cơ quan Đầu tư Qatar và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc./.
(TTXVN/Vietnam+)
Theo dự báo vận tải hàng không thế giới năm 2024 của Boeing, số lượng máy bay chở hàng trên toàn cầu có thể đạt 3.900 chiếc vào năm 2043, tăng gần 70% so với 2.340 chiếc trong năm 2023.
Từ ngày 4-12/11 đã có tới 80 chuyến bay bị hủy, trong đó có nhiều chuyến bay quốc tế liên quan đến các đầu điểm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và một số thành phố của Australia.
Động cơ bên phải của chiếc máy bay đã bốc cháy ngay sau khi cất cánh khiến máy bay phải đổ nhiên liệu xuống biển và quay đầu hạ cánh xuống Sân bay Fiumicino, Italy.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.