Khi dịch Covid-19 diễn biến khôn lường, nhiều hãng hàng không lớn tại Mỹ đã có chính sách buộc hành khách phải đeo khẩu trang khi lên tàu bay. Tuy nhiên, việc thực thi quy định này lại nảy sinh rất nhiều tình huống phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xô xát, gây mất an toàn bay…
Tiếp viên chỉ nên khuyến khích chứ không ép buộc
Theo hãng tin Reuters, 3 hãng hàng không lớn của Mỹ là American Airlines, Delta Airlines và United Airlines đều có thông báo tương tự tới nhân viên. Các hướng dẫn cụ thể đều nhấn mạnh: Tiếp viên phải cung cấp khẩu trang cho khách chưa có và có thể từ chối không cho lên máy bay đối với bất cứ người nào không đeo khẩu trang.
Cả 3 hãng hàng không đều loại trừ việc đeo vật dụng này đối với trẻ em, người có bệnh phi Covid-19 hoặc người khuyết tật cũng như khi mọi người ăn uống.
Nhưng, khi hành khách đã lên máy bay, việc thực thi quy định bắt buộc đeo khẩu trang được dự đoán sẽ trở nên khó khăn hơn. Lường trước sự phức tạp và bất tiện có thể xảy ra khi khách phải đeo khẩu trang suốt hành trình, các hãng buộc phải có thông báo hướng dẫn trực tiếp tới lực lượng nhân sự và khuyến cáo không nhất thiết phải buộc hành khách tuân thủ quy định sử dụng khẩu trang, tránh làm leo thang xung đột gây uy hiếp an toàn bay.
Theo hướng dẫn thực hiện quy định mới của American Airlines gửi tới lực lượng phi công, hãng này viết: “Khi hành khách lên máy bay, việc thực thi chính sách đeo khẩu trang sẽ phải nới lỏng hơn. Vai trò của tiếp viên là cung cấp thông tin, phục vụ chứ không phải thúc ép hành khách thực hiện chính sách này”.
Theo văn bản của American Airlines được hãng tin Reuters ghi nhận, hãng kết luận rằng: Nếu có hành khách trên máy bay cố tình không đeo khẩu trang thì không thể coi đó là hành vi gây rối buộc tổ bay phải thực hiện phản ứng đe dọa cấp 1 - tức là một hành khách cố ý làm gián đoạn chuyến bay khiến cơ trưởng phải chuyển hướng bay.
Hãng còn cảnh báo: “Nếu hành khách nhất quyết không tuân thủ, xin hãy chỉ nên khuyến khích họ thực hiện chứ không nên làm căng thẳng leo thang”, hãng American Airlines hướng dẫn tiếp viên trong một thông báo.
“Tương tự như vậy, nếu hành khách tức giận vì một khách khác không đeo khẩu trang, hãy sử dụng những biện pháp quản lý nhận biết tình huống để chủ động có can thiệp nhằm giảm căng thẳng”, American Airlines thông tin.
Đại diện của United Airlines cho hay, tất cả những trường hợp hành khách không tuân thủ quy định sẽ được giải quyết ngay ở cửa lên máy bay và tiếp viên hàng không được khuyến cáo sử dụng các “kỹ năng giảm leo thang căng thẳng” trên máy bay và thay đổi ghế cho hành khách khi cần. Hãng Delta cũng thông báo chính sách tương tự.
Vì sao các hãng không dám mạnh tay?
Sở dĩ có sự phức tạp này vì việc hành khách đeo khẩu trang trên máy bay hay tại sân bay vẫn chưa được cơ quan Liên bang Mỹ đưa thành quy định cứng. Tất cả chỉ dừng lại ở khuyến cáo của Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh liên bang (CDC).
Mỹ đang tranh cãi căng thẳng về vai trò của cơ quan chính phủ trong việc bắt buộc thực hiện các biện pháp an toàn mới trong chuyến bay trước khi có vắc-xin chính thức được đưa vào ứng dụng.
Trong khi các hãng hàng không lớn của Mỹ tự đưa ra quy định đeo khẩu trang, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) lại từ chối ban hành quy định và còn chưa rõ cơ quan này có thẩm quyền ra quy định yêu cầu hành khách đeo khẩu trang hay không.
Thông báo của FAA cho biết, họ sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động bàn thảo, tìm cách bảo vệ sức khỏe cũng như sự an toàn cho tiếp viên hàng không, hành khách và sẵn sàng cho các cơ quan y tế cộng đồng liên bang cũng như các hãng hàng không lời khuyên khi họ đưa ra hướng dẫn với tiếp viên, bao gồm theo dõi y tế, thủ tục soi chiếu và vệ sinh máy bay.
Cách xử lý của FAA vấp phải rất nhiều chỉ trích, trong đó bà Sara Nelson, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên hàng không CWA, đại diện cho gần 50.000 tiếp viên hàng không của 19 hãng bay cho biết: “Các hãng hàng không đang thực hiện chính sách trên chuyến bay mà không nhận được sự phối hợp cũng như hướng dẫn cần thiết từ chính phủ liên bang. Chúng tôi cần những điều kiện cần thiết của liên bang để có thể hạn chế rủi ro trong đại dịch chết người lần này và đặt sự an toàn của đội bay cũng như cộng đồng lên hàng đầu”, bà Sara Nelson nói.
(Nguồn:baogiaothong.vn)
Theo dự báo vận tải hàng không thế giới năm 2024 của Boeing, số lượng máy bay chở hàng trên toàn cầu có thể đạt 3.900 chiếc vào năm 2043, tăng gần 70% so với 2.340 chiếc trong năm 2023.
Từ ngày 4-12/11 đã có tới 80 chuyến bay bị hủy, trong đó có nhiều chuyến bay quốc tế liên quan đến các đầu điểm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và một số thành phố của Australia.
Động cơ bên phải của chiếc máy bay đã bốc cháy ngay sau khi cất cánh khiến máy bay phải đổ nhiên liệu xuống biển và quay đầu hạ cánh xuống Sân bay Fiumicino, Italy.
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.