Hãng hàng không Qantas của Australia vừa công bố một đề xuất liên doanh thương mại với hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines (JAL) nhằm điều phối lịch trình và giá vé máy bay trên tuyến đường Australia-Nhật Bản, đồng thời chia sẻ doanh thu trong một thỏa thuận được cho là chiếm tới 70% thị trường du lịch giữa hai nước.
Chủ tịch Qantas Alan Joyce, ngày 24/12, cho biết liên doanh với JAL hứa hẹn sẽ mở ra một tuyến đường hàng không mới Australia-Nhật Bản dễ dàng hơn, giúp cải thiện giao thông du lịch - vốn đang bùng nổ tại cả hai nước giai đoạn trước đại dịch COVID-19 - và dự kiến sẽ hồi phục nhanh chóng khi các biên giới quốc gia mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, thỏa thuận vừa được hé lộ sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC), do những lo ngại về khả năng liên doanh mới có thể tạo ra sự cạnh tranh mất cân bằng trên thị trường hàng không, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại của các hãng hàng không khác khai thác cùng tuyến đường bay.
Năm 2019, Qantas và hãng hàng không giá rẻ trực thuộc Jetstar khai thác tới 60% thị phần tuyến đường bay Australia-Nhật Bản, trong khi Japan Airlines (JAL) chiếm 10%. Một hãng hàng không khác của Nhật Bản là Nippon Airways (ANA) chiếm 8%.
Số thị phần còn lại chia đều cho các hãng hàng không nước ngoài, như Virgin Australia, Singapore Airlines và Cathay Pacific.
Như vậy, sau khi liên doanh mới được hình thành sẽ chiếm tới 70% thị phần tuyến đường bay Australia-Nhật Bản và hoàn toàn có khả năng chi phối các hãng hàng không khác.
Trong một báo cáo gửi ACCC, Qantas cho rằng mục đích của liên doanh là tối đa hóa sự quan tâm của người tiêu dùng.
Hai hãng hàng không lớn đã nhất trí rằng thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cộng đồng nhanh hơn và chắc chắn hơn trong một thị trường cạnh tranh gay gắt của tương lai.
Qantas nhấn mạnh sự hợp tác sẽ khuyến khích cả Qantas và JAL mở rộng thay vì hạn chế công suất và đầu tư vào việc cung cấp sản phẩm cải tiến có khả năng kích thích sự đổi mới và cạnh tranh về giá từ các hãng hàng không khác.
Việc thiết lập giá vé máy bay sẽ hoàn toàn công khai và cho phép khách hàng được quyền lựa chọn so sánh giá giữa các hãng khác nhau, từ đó đưa đến lựa chọn cuối cùng thích hợp nhất cho họ.
Việc tăng cường kết nối hai hãng hàng không chỉ nhằm tạo điều kiện để khách hàng bay thường xuyên có quyền nhận được nhiều lợi ích tích hợp hơn, bất kể họ sử dụng dịch vụ của hãng nào trong liên doanh.
Vào năm 2015, ACCC đã từng thông qua một thỏa thuận tương tự giữa Qantas và American Airlines của Mỹ. Do vậy, Qantas cho biết họ kỳ vọng ACCC sẽ sớm đưa ra quyết định chấp thuận trong vòng sáu tháng tới và liên doanh nói trên có thể bắt đầu chính thức đi vào khai thác từ tháng 7/2021, khi dự kiến các tuyến bay thương mại quốc tế được kích hoạt trở lại.
Du lịch Australia-Nhật Bản đã phát triển rất nhanh chóng trong vòng vài năm gần đây, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Năm 2019, số lượng du khách Australia đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Nhật Bản đạt con số kỷ lục với hơn 500.000 lượt du khách, tăng 335% trong vòng 10 năm.
Ngược lại, hơn 480.000 lượt du khách Nhật Bản đã đến thăm Australia từ tháng 7/2018 đến hết tháng 6/2019. Trong vòng 12 tháng sau đó, do dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nên con số này đã giảm xuống còn hơn 375.000 du khách, chủ yếu thuộc giai đoạn 6 tháng cuối năm 2019.
Chủ tịch Joyce chia sẻ khoảng 0,5 triệu du khách Nhật Bản đã ghé thăm Australia trong năm 2019. Thông qua việc nâng cao chất lượng hợp tác giữa hai hãng hàng không lớn nhất Australia và Nhật Bản, ông mong muốn du lịch hai nước sẽ tiếp tục và phát triển mạnh mẽ hơn nữa./.
(TTXVN/Vietnam+)
Theo dự báo vận tải hàng không thế giới năm 2024 của Boeing, số lượng máy bay chở hàng trên toàn cầu có thể đạt 3.900 chiếc vào năm 2043, tăng gần 70% so với 2.340 chiếc trong năm 2023.
Từ ngày 4-12/11 đã có tới 80 chuyến bay bị hủy, trong đó có nhiều chuyến bay quốc tế liên quan đến các đầu điểm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và một số thành phố của Australia.
Động cơ bên phải của chiếc máy bay đã bốc cháy ngay sau khi cất cánh khiến máy bay phải đổ nhiên liệu xuống biển và quay đầu hạ cánh xuống Sân bay Fiumicino, Italy.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.