Kết quả kinh doanh trái ngược của Airbus và Boeing trong quý 3

Thứ Ba, 02/11/2021 - 08:31 GMT+7

Airbus ghi nhận lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ tháng 7-9/2021 đạt 470 triệu USD, còn lợi nhuận của Boeing lại trở về “vạch đỏ” khi hãng báo lỗ 132 triệu USD trong giai đoạn trên.

Ngày 28/10, hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu thông báo tiếp tục nâng mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2021 sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh có lãi trong quý 3/2021.

Trong thông báo ngày 28/10, Airbus ghi nhận lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ tháng 7-9/2021 đạt 404 triệu euro (470 triệu USD), tiến bộ vượt bậc so với khoản lỗ 767 triệu euro cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, hãng cũng cho biết đã chuyển giao 424 máy bay kể từ đầu năm 2021.

Airbus cho rằng tập đoàn này đã bắt đầu ghi nhận hoạt động kinh doanh sinh lời trở lại trong 9 tháng đầu năm 2021 khi thu về lợi nhuận ròng 2,635 tỷ euro, so với khoản lỗ 2,686 tỷ euro một năm trước đó.

Do đó, Airbus đặt mục tiêu lợi nhuận kinh doanh trong năm 2021 đạt 4,5 tỷ euro so với mức 4 tỷ euro dự báo trước đó.

Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury đánh giá kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2021 phản ánh hiệu quả hoạt động mạnh mẽ, cũng như nỗ lực giúp giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của tập đoàn này.

Ông Guillaume Faury cho biết dù nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình hồi phục nhưng Airbus vẫn đang theo dõi sát những rủi ro tiềm ẩn đối với ngành hàng không.



Trong khi đó, đối thủ của Airbus ở bên kia Đại Tây Dương, hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ lại báo lỗ trong quý 3/2021, dù chỉ vừa mới kịp ghi nhận lãi trong quý 2/2021 sau 6 quý liên tiếp hụt hơi.

Lợi nhuận của Boeing lại trở về “vạch đỏ” khi hãng báo lỗ 132 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 7-9/2021.

Các vấn đề chính dẫn tới kết quả kinh doanh này là chi phí phát sinh để khắc phục vấn đề với các mẫu 787 và sự cố tàu vũ trụ Starliner CST-100, do hãng và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phối hợp phát triển, bị hoãn thử nghiệm.

Boeing ước tính vấn đề với mẫu 787 Dreamliner khiến hãng phải chịu thêm khoản chi phí tỷ USD, trong đó có 183 triệu USD ghi sổ trong quý 3.

Các hợp đồng bàn giao mẫu máy bay này bị hoãn sau khi bị phát hiện có nhiều vấn đề.

Đây là những trở ngại mới nhất trong hàng loạt sự cố mà hãng này phải đối mặt suốt từ năm 2019 đến nay, từ vụ các máy bay 737 MAX bị cấm bay vì các tai nạn thảm khốc đến đại dịch COVID-19 khiến ngành hàng không tê liệt.

Tuy nhiên, phát biểu trên đài CNBC, Giám đốc điều hành David Calhoun vẫn bày tỏ lạc quan về triển vọng trước mắt và tin tưởng kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn trong năm 2022 khi ngành hàng không phục hồi sau cú sốc đại dịch.

Trên thực tế, dù không sinh lời nhuận nhưng doanh thu chung của công ty trong quý 3/2021 vẫn tăng 8% lên mức 15,3 tỷ USD, chính là nhờ việc 737 MAX được cấp phép bay trở lại sau khi khắc phục được các vấn đề và đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của các nhà quản lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website