Các hãng hàng không có thể bị cuốn vào tình trạng bất ổn giữa bối cảnh hoạt động đi lại bằng đường hàng không gặp trở ngại bởi các yếu tố như dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và giá dầu tăng cao, nhưng với các nhà khai thác máy bay tư nhân, hoạt động kinh doanh đang bùng nổ.
Sự hấp dẫn của máy bay phản lực tư nhân đã bùng nổ kể từ khi bắt đầu đại dịch, giữa bối cảnh có nhiều quan ngại về sự lây lan của dịch bệnh, nhiều chuyến bay đã bị hủy và các biện pháp nghiêm ngặt đã biến việc bay thương mại trở thành một vấn đề nan giải.
Ông Philippe Scalabrini, người đứng đầu bộ phận Nam Âu của công ty hàng không tư nhân quốc tế VistaJet, cho biết tác động của dịch COVID-19 buộc mọi người phải tìm kiếm ở một nơi nào khác để đáp ứng nhu cầu đi lại.
Trả lời hãng tin AFP, ông Philippe Scalabrini nói rằng bất cứ ai có đủ khả năng chi trả đều muốn sở hữu một chiếc máy bay theo ý của mình và hàng không tư nhân nhìn chung đã có một sự gia tăng đáng kinh ngạc về nhu cầu trong hai năm qua.
Cơ quan quản lý không lưu Eurocontrol dường như đã xác nhận điều này. Cơ quan này cho hay du lịch bằng máy bay tư nhân đã tăng gần gấp đôi thị phần toàn cầu từ năm 2019 đến năm 2021, đứng ở mức 12%.
Đứng bên trong chiếc Global 7500, máy bay mới nhất gia nhập đội bay của công ty hàng không tư nhân toàn cầu VistaJet do nhà sản xuất máy bay phản lực của Canada Bombardier chế tạo, ông Scalabrini đã cho thấy hoạt động đi lại bằng đường hàng không “xa xỉ” có thể trông như thế nào.
Trên chiếc máy bay sang trọng, có mức giá “khủng” 72 triệu USD (65 triệu euro), khách hàng có thể tận hưởng cảm giác êm ái trên những chiếc ghế da màu kem sang trọng, một chiếc giường đôi lớn và nếm thử rượu vang.
Nhằm hạn chế hội chứng jet lag, áp suất trong cabin có thể được điều chỉnh tốt hơn so với các chuyến bay thương mại, cho phép khách hàng ngủ ngon "như ở cabin tại Saint-Moritz," khu nghỉ mát trượt tuyết Alpine sang trọng.
Và những chú thú cưng cũng sẽ được trải nghiệm du lịch xa xỉ, được phục vụ đồ chơi và đồ ăn vặt theo yêu cầu.
Với chi phí sử dụng từ 500.000 euro/năm (550.000 USD/năm), đối tượng khách hàng nhắm tới của VistaJet là các cá nhân giàu có và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó đối tượng giàu có trong lĩnh vực công nghệ ngày càng tăng.
Có một điều dễ dàng nhận thấy chính là đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu đi lại “xa xỉ” này. Ông Scalabrini cho biết "hiệu ứng COVID" năm 2021 đã giúp số giờ bay bán được của VistaJet tăng 90%.
Và công ty được thành lập vào năm 2004 bởi tỷ phú Thụy Sĩ Thomas Flohr hồi tháng trước đã thông báo mua Air Hamburg, trong một động thái mà họ cho rằng sẽ giúp tăng số giờ bay của hãng thêm 30%.
Tuy nhiên, thông báo này được đưa ra chỉ ba ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và các nước phương Tây áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, gây ra sự xáo động trên thị trường và khiến giá dầu tăng vọt.
Tuy nhiên, ông Scalabrini bày tỏ còn "hơi sớm" để xác định xem cuộc khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng đến công ty như thế nào.Mặc dù các công ty máy bay tư nhân có thể vượt qua các cuộc khủng hoảng mà hiện đang tác động đến ngành hàng không thương mại, song họ cũng phải đối mặt với sự tức giận của công chúng bởi đi ngược lại với nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Theo Tổ chức phi chính phủ về Môi trường và Giao thông, một chuyến bay bằng máy bay tư nhân gây ô nhiễm lớn hơn gấp 10 lần so với một chuyến bay thương mại. Philippe Berland, chuyên gia vận tải hàng không của công ty tư vấn Sia Partners, nói với AFP rằng về lâu dài đây sẽ là một trong những thách thức lớn nhất về môi trường mà du lịch hàng không phải đối mặt.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, câu hỏi trước mắt là làm thế nào lĩnh vực này có thể xử lý việc giá dầu tăng cao, và liệu các công ty máy bay tư nhân có thể giữ chân những khách hàng mà họ có được trong thời kỳ đại dịch khi các chuyến bay thương mại trở lại bình thường hay không./.
(TTXVN/Vietnam+)
Theo dự báo vận tải hàng không thế giới năm 2024 của Boeing, số lượng máy bay chở hàng trên toàn cầu có thể đạt 3.900 chiếc vào năm 2043, tăng gần 70% so với 2.340 chiếc trong năm 2023.
Từ ngày 4-12/11 đã có tới 80 chuyến bay bị hủy, trong đó có nhiều chuyến bay quốc tế liên quan đến các đầu điểm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và một số thành phố của Australia.
Động cơ bên phải của chiếc máy bay đã bốc cháy ngay sau khi cất cánh khiến máy bay phải đổ nhiên liệu xuống biển và quay đầu hạ cánh xuống Sân bay Fiumicino, Italy.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.