Hàng không thế giới sẽ có giai đoạn phục hồi bền vững lâu dài

Thứ Tư, 16/06/2021 - 07:50 GMT+7

Trong báo cáo “Tầm nhìn mới nhất về các xu hướng trong lĩnh vực hàng không," IATA cho biết cơ quan này không hy vọng giao thông hàng không thế giới sẽ phục hồi về mức trước đại dịch trước năm 2023.

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), sau khi rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, ngành hàng không thế giới được dự báo sẽ “cất cánh” bất chấp những lo ngại về tác động của hàng không đối với biến đổi khí hậu.

 

Trong báo cáo “Tầm nhìn mới nhất về các xu hướng trong lĩnh vực hàng không," IATA cho biết cơ quan này không hy vọng giao thông hàng không thế giới sẽ phục hồi về mức trước đại dịch trước năm 2023.

 

Tuy nhiên, trong hơn 20 năm tới, lưu lượng hàng không sẽ tăng gần gấp đôi, từ 4,5 tỷ hành khách năm 2019 lên 8,5 tỷ lượt vào năm 2039.

 
Hành khách tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore.

 

Mặc dù giảm 1 tỷ hành khách so với dự báo IATA đưa ra trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh, nhưng con số trên vẫn là thông tin tốt đối với các nhà sản xuất máy bay, vốn bị rơi vào giai đoạn đình đốn trong thời gian qua do nhiều hãng hàng không trên thế giới hủy đơn đặt hàng để không mắc thêm nợ nần.

 

Mới đây Airbus đã công bố kế hoạch đẩy nhanh tốc độ sản xuất dòng máy bay bán chạy nhất A320 của hãng và sẽ đạt mức kỷ lục như đã có vào năm 2023.

 

Trong khi đó, Boeing dự báo các hãng hàng không sẽ cần 43.110 máy bay mới đến năm 2039, trong đó riêng châu Á chiếm 40% nhu cầu.

 

Phó Chủ tịch tiếp thị của Boeing, Darren Hulst cho biết cũng giống như sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 tại nước Mỹ hoặc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009, ngành hàng không thế giới một lần nữa chứng tỏ khả năng phục hồi trở lại.

 

Giám đốc Viện nghiên cứu về khoa học-xã hội, ông Marc Ivaldi lưu ý rằng mới chỉ có 1% dân số hiện đang sử dụng phương tiện hàng không.

 

Ông Marc Ivaldi khẳng định: "Với sự gia tăng nhân khẩu học đơn giản và thực tế là mọi người trở nên giàu có hơn sẽ càng làm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không gia tăng hơn.”

 

Nếu các đội máy bay lớn nhất hiện nay thuộc về Mỹ và châu Âu, mức tăng lớn nhất trong những năm tới dự kiến ở châu Á và Trung Đông.

 

Theo thống kê, 19% lượng máy bay do Airbus sản xuất để bán cho Trung Quốc, nhiều hơn cả của Mỹ và xu hướng này dự báo sẽ không thay đổi.

 

Tại nhiều quốc gia mới nổi, nơi tầng lớp trung lưu đang ngày càng lớn mạnh, việc đi lại bằng đường hàng không cũng đang trở nên dễ dàng hơn đối với nhiều người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website