Hàn Quốc ngày 3/3 đã công bố một loạt biện pháp mới hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhằm giúp ngành hàng không trụ vững trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.
Trong một thông báo, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho hay chính phủ nước này sẽ tiếp tục giảm phí sử dụng sân bay cho các hãng hàng không cho đến tháng 6/2021, với mức giảm khoảng 45,7 tỷ won (40,6 triệu USD). Sau đó, Bộ sẽ cân nhắc khả năng giảm phí một lần nữa hay sau khi tính đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Theo Bộ trưởng Giao thông Byeon Chang-heum, thông qua biện pháp hỗ trợ bổ sung này, chính phủ kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp hàng không giữ được nhân viên và cải thiện khả năng cạnh tranh cho đến khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không phục hồi.
Bên cạnh đó, nhà chức trách sẽ ngừng thu hồi chỗ trống không sử dụng tại các sân bay địa phương và tạm thời cho phép các hãng hàng không Hàn Quốc sử dụng chỗ trống mà các hãng hàng không nước ngoài chưa sử dụng.
Để đối mặt với khó khăn, hai hãng hàng không hàng đầu của Hàn Quốc là Korean Air và Asiana Airlines đã phải chuyển đổi một số máy bay chở khách thành máy bay chở hàng để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh của nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Tháng trước, Korean Air đã cùng với các hãng hàng không khác cung cấp một chuyến bay tham quan trên tuyến đường từ sân bay Quốc tế Incheon đến một số địa điểm như Busan, đảo Jeju, eo biển Hàn Quốc và quay trở lại Incheon. Korean Air cho biết hãng sẽ cung cấp hai chuyến bay "không điểm đến" (du lịch bằng đường hàng không dưới dạng hành trình, không phải điểm đến) vào tháng 3/2021.
Cùng với động thái trên, Bộ Giao thông Hàn Quốc cho biết sẽ cho phép các hãng hàng không cung cấp chuyến bay “không điểm đến” tại những sân bay khác của Hàn Quốc trong khi giới thiệu các chuyến bay tham quan trong nước. Bộ cũng sẽ tham vấn với các bộ, ngành liên quan về việc hỗ trợ tài chính bổ sung cho các hãng hàng không để giảm bớt nguy cơ thiếu tiền mặt.
Nhu cầu đi lại bằng máy bay tại Hàn Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung đã sụt giảm mạnh khi các nước tăng cường biện pháp hạn chế nhập cảnh và đi lại để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Lượng khách trên các chuyến bay quốc tế giảm mạnh 84% xuống 14,2 triệu lượt vào năm 2020, so với mức 90,4 triệu lượt trong năm trước đó.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) dự báo sẽ mất tới 4 năm để nhu cầu đi lại của hành khách trên toàn cầu phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19./.
(TTXVN/Vietnam+)
Theo dự báo vận tải hàng không thế giới năm 2024 của Boeing, số lượng máy bay chở hàng trên toàn cầu có thể đạt 3.900 chiếc vào năm 2043, tăng gần 70% so với 2.340 chiếc trong năm 2023.
Từ ngày 4-12/11 đã có tới 80 chuyến bay bị hủy, trong đó có nhiều chuyến bay quốc tế liên quan đến các đầu điểm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và một số thành phố của Australia.
Động cơ bên phải của chiếc máy bay đã bốc cháy ngay sau khi cất cánh khiến máy bay phải đổ nhiên liệu xuống biển và quay đầu hạ cánh xuống Sân bay Fiumicino, Italy.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.