Cái khó, ló cái khôn: Nhiều hãng bay chuyển sang chở hàng trong mùa dịch

Thứ Hai, 30/03/2020 - 19:01 GMT+7

Nhiều hãng bay như Delta Air Lines Inc và Air New Zealand đã nảy ra nhiều ý tưởng để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) bùng phát, gây ảnh hưởng nặng tới ngành hàng không, nhiều tập đoàn như Delta Air Lines Inc và Air New Zealand đã nảy ra nhiều ý tưởng để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Vận tải hành khách lao dốc không phanh

Đến ngày 28/3, Tập đoàn Vận tải Trung tâm Bay của Australia thông báo kế hoạch cắt giảm 6.000 nhân sự đang làm việc tại các đại lý lữ hành toàn cầu.

Hãng hàng không Singapore Airlines đã ra thông báo ngừng giao dịch, chỉ vài ngày sau khi hãng cho dừng hoạt động đối với hầu hết máy bay. Đồng thời rốt ráo tìm nguồn tài chính khác để vượt qua thời điểm khốn khó.

Tập đoàn Vigin Australia có kế hoạch tạm thời cắt giảm hơn 1.000 việc làm trong số 8.000 vị trí nhân viên trong bối cảnh lao đao vì lịch trình bay bị co hẹp.

Sân bay Quốc tế Auckland của New Zealand cũng mới thông báo cắt giảm 90 nhân viên hợp đồng và sẽ bàn bạc với nhân viên của hãng về việc giảm giờ làm và lương khoảng 20%.

Tại Mỹ, một trong ba hãng bay lớn là United Airlines Holdings Inc thông báo tiếp tục giảm thêm năng lực nội địa, đồng nghĩa tổng năng lực bay của hãng bao gồm cả các chuyến bay quốc tế sẽ giảm khoảng 68% trong tháng 4.

Tập đoàn Alaska Air cho biết, sẽ giảm lịch trình khoảng 70% trong tháng 4 và tháng 5, tạm dừng trả cổ tức, vay vốn tín dụng khoảng 400 triệu USD và bảo đảm nợ bổ sung khoảng 425 triệu USD nhằm vượt qua khủng hoảng.

Hiện tại, theo ước tính của công ty nghiên cứu hàng không Cirium, khoảng 1.800 máy bay đã buộc phải tạm dừng hoạt động trên toàn cầu trong 2 ngày đầu tuần trước.

Cái khó, ló cái khôn

Để vượt qua khó khăn mùa dịch, rất nhiều hãng hàng không như Delta Air Lines Inc và Air New Zealand mới đây đã nối dài danh sách những hãng bay đi theo chiến lược sử dụng cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay chở hàng trên máy bay vốn từng chỉ được sử dụng để chở khách.

“Chúng tôi đã chia sẻ những lựa chọn này với những đối tác chở hàng toàn cầu và nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ những khách hàng muốn vận chuyển hàng đến và đi từ Thượng Hải, Hong Kong, San Francisco, Los Angeles, Sydney và Melbourne”, Tổng Giám đốc phụ trách mảng Vận tải hàng hoá của Air New Zealand, ông Rick Nelson cho biết.

                                    

Khoảng 1 nửa hoạt động chở hàng bằng đường hàng không trên thế giới sẽ được thực hiện bằng máy bay chở khách thay vì tàu bay vận tải hàng chuyên dụng. Trước 2 hãng trên, đã có Korean Air, Cathay Pacific, Deutsche Lufthansa AG… đi theo chiến lược này.

Theo thông tin do FlightGlobal công bố trước đó, Korean Air bắt đầu sử dụng máy bay chở khách để vận tải hàng hoá trên các tuyến bay mà trước đây chủ yếu chỉ liên quan tới vận tải hành khách. Một trong những chuyến bay theo chiến lược mới vừa được Korean Air thực hiện đầu tháng này, đó là vận tải hàng hoá khẩn cấp cũng như sản phẩm nông nghiệp từ Hàn Quốc sang Việt Nam bằng máy bay chở khách.

Cũng theo xu hướng mới, sân bay Heathrow của Anh vừa kêu gọi các hãng hàng không và công ty vận tải tối ưu hoá, tận dụng lịch trình bay đang nhàn rỗi tại đây vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Hiện tại, đã có rất nhiều công ty logistics tại Anh bắt đầu nhập khẩu thiết bị quan trọng như bộ kit xét nghiệm Covid-19 qua sân bay Heathrow để chuẩn bị cho nhu cầu sẽ gia tăng đột biến tại đây.

Trong tuần này, Heathrow dự báo dòng hàng hoá qua đây sẽ tăng 53% trong bối cảnh các hãng hàng không và nhà vận tải sử dụng khả năng sẵn có để vận tải hàng hoá phục vụ chiến dịch chống virus Corona mới.

Giữa bối cảnh giá dầu giảm và nguy cơ phí vận tải hàng sẽ bị tăng cao vì nhu cầu tăng, những chiến lược đưa máy bay nhàn rỗi vào phục vụ sẽ giúp các hãng bay phần nào giảm gánh nặng chi phí.

                                                                                                                   (Nguồn:baogiaothong.vn)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website