Ngày 25 tháng 8 năm 2020, các chủ nợ của Virgin Atlantic, hãng hàng không giá rẻ của Anh, sẽ bỏ phiếu về kế hoạch giải cứu trị giá 1,2 tỷ bảng Anh (1,6 tỷ USD) đối với hãng này.
Đây là “bài kiểm tra” quan trọng về khả năng trụ lại của Virgin Atlantic trong bối cảnh ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19.
Hồi tháng Bảy, Virgin Atlantic đã nhất trí về một thỏa thuận với các cổ đông và chủ nợ để hỗ trợ hãng này vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Hãng hàng không của Anh này đã bày tỏ sự tự tin vào kế hoạch tái cấu trúc và đang chờ đợi được tái cấp vốn vào tuần đầu tiên của tháng Chín.
Hiện Virgin Group của tỷ phú Richard Branson sở hữu 51% cổ phần của Virgin Atlantic, còn 49% cổ phần còn lại thuộc về hãng hàng không Delta của Mỹ.
Các chủ nợ tham gia cuộc bỏ phiếu ngày 25/8 bao gồm gần 200 chủ nợ mà Virgin Atlantic đang nợ mỗi bên hơn 50.000 bảng Anh.
Tại phiên điều trần để bỏ phiếu cùng ngày ở Tòa án Tối cao Anh, Virgin Atlantic cần được các chủ nợ chấp thuận chỉ nhận lại khoảng 75% số tiền mà hãng đang nợ họ.
Nếu thành công, một phiên điều trần khác tại Tòa án Anh sẽ được tổ chức vào ngày 02 tháng 9 để thông qua kế hoạch giải cứu và một phiên điều trần theo thủ tục dự kiến vào ngày 03 tháng 9 tại Mỹ.
Trong trường hợp các chủ nợ không ủng hộ kế hoạch, thẩm phán vẫn có thể ra phán quyết có lợi để tiếp tục kế hoạch này.
Virgin Atlantic đã phải đóng cửa trụ sở tại sân bay Gatwick ở London và cắt giảm hơn 3.500 việc làm để đối phó với những thiệt hại giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhiều nước áp dụng lệnh cấm bay và nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm sút./.
(Nguồn: TTXVN/Vietnam+)
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng phương Tây đối mặt với nhiều thách thức, các tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới đang tăng cường tìm kiếm nguồn cung phụ tùng từ Ấn Độ.
Ấn Độ đang lên kế hoạch xây dựng sân bay ngoài khơi đầu tiên gần trung tâm tài chính Mumbai, như một phần trong nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của quốc gia.
IATA đã công bố phân tích về các hãng hàng không mới và cả các hãng hàng không ngừng hoạt động, trong đó năm 2024 chứng kiến số lượng cả hai loại này thấp nhất trong một thập kỷ, báo hiệu sự ổn định tạm thời của thị trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.