Ngày 4/3, hãng Airbus thông báo có thể tránh được sa thải bắt buộc nhân viên ở Đức, Pháp và Anh trong bối cảnh hãng sản xuất máy bay châu Âu này đang gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành hàng không toàn cầu.
Tuyên bố của Airbus nêu rõ: "Vào thời điểm này, nhờ hiệu quả của các biện pháp xã hội được triển khai đến nay, Airbus thấy không cần phải tiến hành sa thải bắt buộc ở Pháp, Đức và Vương quốc Anh."
Airbus nói thêm rằng quyết định này phụ thuộc vào "việc triển khai thành công các biện pháp di chuyển nội địa."
Airbus cho biết thêm rằng chưa quyết định được về vấn đề sa thải bắt buộc tại Tây Ban Nha, do cuộc đàm phán với công đoàn tại đây diễn ra muộn hơn so với tại các nước khác.
Trước đó cùng ngày, công đoàn Đức IG Metall cho biết đã đạt được một thỏa thuận với Airbus để tránh việc sa thải hàng nghìn nhân viên tại chi nhánh của hãng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Airbus từng thông báo kế hoạch giảm khoảng 5.100 việc làm trong tổng số 55.000 việc làm ở Đức. Tuy nhiên, với thỏa thuận trên, sẽ không ai bị sa thải cho đến cuối năm 2023.
Theo IG Metall, việc cắt giảm thay vào đó sẽ đạt được thông qua hình thức tự nguyện nghỉ việc và giảm giờ làm.
Trước đó, hồi cuối tháng 6/2020, Airbus thông báo đang có kế hoạch cắt giảm khoảng 15.000 việc làm trên toàn thế giới nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng thấy trong ngành hàng không.
Trong năm 2020, Airbus chịu lỗ ròng 1,1 tỷ euro (1,3 tỷ USD)./.
(TTXVN/Vietnam+)
Theo dự báo vận tải hàng không thế giới năm 2024 của Boeing, số lượng máy bay chở hàng trên toàn cầu có thể đạt 3.900 chiếc vào năm 2043, tăng gần 70% so với 2.340 chiếc trong năm 2023.
Từ ngày 4-12/11 đã có tới 80 chuyến bay bị hủy, trong đó có nhiều chuyến bay quốc tế liên quan đến các đầu điểm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và một số thành phố của Australia.
Động cơ bên phải của chiếc máy bay đã bốc cháy ngay sau khi cất cánh khiến máy bay phải đổ nhiên liệu xuống biển và quay đầu hạ cánh xuống Sân bay Fiumicino, Italy.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.