Ngày 14/11, nhà sản xuất máy bay Airbus của châu Âu đã tiếp nhận đơn đặt hàng lên tới 255 máy bay một lối đi A321 chỉ trong ngày đầu tiên của Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Dubai Airshow ở Dubai, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Theo thông báo của Airbus, đơn đặt hàng trên của 4 hãng hàng không trực thuộc công ty cổ phần Indigo Partners của Mỹ gồm Wizz Air, Frontier, Volaris và JetSMART.
Trong đó, hãng hàng không giá rẻ Wizz Air đặt hàng 102 máy bay, American Frontier Airlines đặt hàng 91 máy bay, trong khi Volaris của Mexico và JetSMART của Chile đặt hàng lần lượt 39 và 23 máy bay.
Căn cứ danh mục giá do Airbus công bố năm 2018, tổng đơn hàng có giá trị hơn 33 tỷ USD. Tuy nhiên, mức giá chính thức hiện chưa được tiết lộ.
Giám đốc điều hành Airbus, ông Guillaume Faury, nêu rõ vì 4 hãng hàng không trên thuộc cùng một công ty cổ phần hàng không, nên nhà sản xuất này đã chấp thuận đơn đặt hàng lớn với một mức giá hấp dẫn. Việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu được triển khai vào năm 2025.
Các công ty hàng không tề tựu về Dubai Airshow trong bối cảnh ngành này đang từng bước phục hồi sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch COVID-19, song cũng đang đối mặt với áp lực giảm tác động gây biến đổi khí hậu.
Cuộc triển lãm kéo dài 5 ngày tại UAE lần này là sự kiện tập trung lớn lần đầu tiên của ngành hàng không kể từ khi đại dịch khiến hoạt động của ngành này trở nên ảm đạm, các sân bay vắng vẻ và máy bay không thể cất cánh.
Lưu lượng hàng không đang dần tăng trở lại, cho dù lưu lượng vào tháng 9 năm nay vẫn thấp hơn 53% so với mức trước đại dịch.
Giám đốc Indigo Partners, ông Bill Franke, cho biết công ty này muốn "sớm triển khai tiến trình phục hồi."
Trong khi đó, ông Christian Scherer, Giám đốc Kinh doanh của Airbus, đánh giá các hãng hàng không trực thuộc công ty Indigo Partners đã "hành động nhanh chóng và quyết đoán" trong một vài tháng qua để đưa ra quyết định đặt hàng "mang tính bước ngoặt này" khi đại dịch đang từng bước được kiểm soát.
Cũng trong khuôn khổ cuộc triển lãm quy mô nói trên, hãng Boeing của Mỹ - tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới - cùng ngày đã ký hợp đồng với công ty Icelease chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay của Iceland để chuyển đổi 11 chiếc Boeing 737-800BCF thành máy bay chở hàng.
Boeing hiện chưa tiết lộ giá trị của hợp đồng chuyển đổi dòng máy bay một lối đi thế hệ trước của dòng MAX này.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Boeing cũng tuyên bố sẽ mở thêm 3 tuyến vận tải mới tại Canada và Anh, bên cạnh các tuyến mới mở gần đây tại Trung Quốc và Costa Rica.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), dù đại dịch COVID-19 khiến ngành hàng không thiệt hại nặng nề, song nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu bằng đường hàng không cao hơn 9% so với thời điểm trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh này./.
(TTXVN/Vietnam+)
Sau vụ tai nạn thảm khốc hôm 29/12/2024, Jeju Air đã công bố kế hoạch cắt giảm từ 10-15% hoạt động bay cho đến tháng 3 để tăng cường an toàn hoạt động.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ngày 6/1 thông báo đang điều tra về khả năng đã xảy ra sự cố bảo mật thông tin, sau khi có báo cáo cho rằng hàng chục nghìn tài liệu đã bị đánh cắp.
Đáp trả các lệnh trừng phạt, Nga đã cấm cửa máy bay từ "các quốc gia không thân thiện", buộc máy bay của Liên minh châu Âu phải chuyển hướng, khiến tiêu thụ nhiên liệu và chi phí tăng lên.
Ngày 17/01/2025, tại Trụ sở Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ lãnh đạo giữa nguyên Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng và tân Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng.