Ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Thứ Sáu, 26/06/2015 - 09:03 GMT+7

 Ngày 6/11, Cục HKVN đã ban hành Công điện số 5317/CĐ-CHK yêu cầu các đơn vị trong ngành Hàng không chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Hồi 04 giờ ngày 06/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 410km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 16 giờ ngày 06/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 07/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên vùng biên giới Việt Nam - Căm Pu Chia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km mộtgiờ), giật cấp 7, cấp 8.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào vịnh Thái Lan. Đến 04 giờ ngày 08/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 100,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển quần đảo Trường Sa ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Từ chiều nay (06/11), vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh Nam Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7. Từ đêm nay, vùng biển Cà Mau Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5 - 4 m.
Ngoài ra, hồi 04 giờ ngày 06/11, bão Haiyan có vị trí ở vào khoảng 7,3 độ Vĩ Bắc; 140,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25 km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm 08/11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông.
Để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện các công việc sau:
       -  Lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuẩn bị phương tiện, thiết bị, nhân lực sẵn sàng, chủ động cứu hộ, cứu nạn và sơ tán người, tài sản khi có lệnh ứng cứu.
       - Triển khai phương án đối phó với mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, chủ động phòng chống, rà soát thống kê các trang thiết bị chằng néo, neo đậu tàu bay tại các cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình nhà ga, phương tiện vận tải...để hạn chế thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.
      - Bố trí trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để có biện pháp đối phó kịp thời.
- Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần HK Jetstar Pacific Airlines, Công ty Cổ phần HK VIETJET theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để điều chỉnh kế hoạch bay cho phù hợp và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay; báo cáo Cục Hàng không Việt Nam kế hoạch thay đổi lịch bay (nếu có) do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới về Cục Hàng không Việt Nam theo số điện thoại/fax: 04.38271547.
- Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo các đơn vị nằm trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới chủ động triển khai phương án đối phó với áp thấp nhiệt đới nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hoạt động bay.
- Công tác chằng néo, neo đậu tàu bay: Yêu cầu hãng hàng không phối hợp chặt chẽ với cảng hàng không, đại diện VAECO  và các đơn vị liên quan để tổ chức chằng néo, neo đậu cho tàu bay tránh bão khi có tàu bay phải neo đậu tại cảng hàng không; các cảng hàng không trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới phải lập kế hoạch khai thác sân đỗ tàu bay đảm bảo an toàn cho tàu bay khai thác và tàu bay neo đậu. 
- Các đơn vị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay phải phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống áp thấp nhiệt đới để đảm bảo an toàn khai thác chung tại cảng hàng không, sân bay.
     - Báo cáo bằng văn bản tình hình ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới tại đơn vị mình về Ban chỉ huy PCLB&TKCNHK theo số điện thoại/fax: 04.38271547./.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website