Diễn tập Ứng phó Không lưu hàng không dân dụng năm 2023

Thứ Sáu, 27/10/2023 - 09:02 GMT+7

Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận – tại sân Đà Nẵng và Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật vừa phối hợp thực hiện diễn tập Ứng phó không lưu (UPKL) với nội dung "UPKL dài hạn khi thiết bị VHF bị gián đoạn tại vị trí TWR/GCU Đà Nẵng do chập, cháy nổ tại tủ điện dẫn đến toàn bộ hệ thống thiết bị tại TWR/GCU Đà Nẵng không sử dụng được".

Thực hiện kế hoạch hàng năm về tổ chức diễn tập Ứng phó Không lưu hàng không dân dụng được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, lãnh đạo Công ty Quản lý bay miền Trung đã chỉ đạo các đơn vị liên quan như Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận - Tại sân Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận - Tại sân Cam Ranh, Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật, Phòng Không lưu, Phòng An toàn – Chất lượng và An ninh, các Cơ sở điều hành bay cùng phối hợp rà soát tài liệu, nhân lực nhằm xây dựng kịch bản thực hiện kế hoạch diễn tập ứng phó không lưu.


Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát  Tiếp cận- tại sân Đà Nẵng phổ biến kịch bản ứng phó đến các thành viên tham gia buổi diễn tập


Buổi diễn tập có sự tham gia và chỉ đạo của ông Đào Xuân Tú - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung, lãnh đạo Trung tâm, Phòng chuyên môn liên quan, cùng toàn thể kiểm soát viên không lưu, nhân viên kỹ thuật tại khu vực Đà Nẵng.Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Công ty Quản lý bay miền Trung, các đơn vị đã tổ chức phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kịch bản tình huống chi tiết dựa trên Quy trình Ứng phó Không lưu tại vị trí TWR/GCU Đà Nẵng do Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt. Ngoài ra, lực lượng Kiểm soát viên không lưu và Nhân viên kỹ thuật đã tham gia nhiệt tình, đảm nhận tốt các vị trí thực hành diễn tập theo kịch bản đã đề ra.


Các Kiểm soát viên không lưu và Nhân viên kỹ thuật đang phối hợp thực hành diễn tập tình huống.

Ghi nhận tại buổi diễn tập, các đơn vị đã thực hiện kịch bản chi tiết với tình huống giả định là vị trí TWR/GCU Đà Nẵng tạm thời ngưng hoạt động do chập, cháy nổ tại tủ điện dẫn đến toàn bộ hệ thống thiết bị tại TWR/GCU Đà Nẵng không sử dụng được. Tại thời điểm giả định, có 04 tàu bay đang trong vùng trời trách nhiệm của APP, 01 tàu bay đang thực hiện tiếp cận hạ cánh đường CHC 35R, 02 tàu bay đã xin huấn lệnh đường dài.


Các Kiểm soát viên không lưu đã phối hợp cùng Nhân viên kỹ thuật nhanh chóng xác nhận tình trạng của hệ thống liên lạc Không - Địa và các trang thiết bị khác không sử dụng được do chập cháy tủ điện, ngay lập tức có các hành động kịp thời tuân theo quy trình Ứng phó Không lưu do Cục Hàng không Việt Nam ban hành.

 
Nhân viên kỹ thuật VHF đang thực hiện việc lắp đặt các thiết bị liên lạc dự phòng tại Trạm Quan trắc


Các kiểm soát viên không lưu và nhân viên kỹ thuật ngay sau khi xác nhận trang thiết bị VHF không hoạt động đã thông báo cho lãnh đạo đơn vị và Ban chỉ huy để được chỉ đạo thực hiện kế hoạch Ứng phó không lưu dài hạn.


Dựa theo kế hoạch, nhân viên kỹ thuật sẽ thiết lập hệ thống trang thiết bị VHF dự phòng dành cho vị trí TWR/GCU Đà Nẵng tại trạm Quan trắc khí tượng thuộc Trung tâm Khí tượng Hàng không Đà Nẵng; các kiểm soát viên không lưu sau khi đã hiệp đồng với các đơn vị liên quan về việc tạm thời ngừng tiếp thu tàu bay và thực hiện kế hoạch ứng phó không lưu ngắn hạn, đồng thời di chuyển lực lượng sang khu vực Trạm Quan trắc khí tượng để tiếp tục thực hiện kế hoạch ứng phó không lưu dài hạn theo quy định. Tại vị trí Trạm Quan trắc khí tượng, các Nhân viên kỹ thuật đã triển khai các VHF dự phòng, phối hợp lần lượt kiểm tra sóng liên lạc VHF với ba tàu bay được chuyển giao từ APP Đà Nẵng.


Sau khi xác nhận việc liên lạc tại vị trí Trạm Quan trắc khí tượng đảm bảo thông suốt, kiểm soát viên không lưu đã tiến hành điều hành thử nghiệm 3 chuyến bay trong vòng 15 phút, mỗi chuyến bay giãn cách tối thiểu 5 phút. Sau khi điều hành thử nghiệm thành công và được sự chỉ đạo của Ban chỉ huy Ứng phó không lưu, kíp trực đã tiếp tục điều hành các chuyến bay cất hạ cánh an toàn.

 
Kiểm soát viên không lưu tiến hành các bước quy trình thử nghiệm điều hành tàu bay tại Trạm quan trắc


Phát biểu chỉ đạo sau buổi diễn tập, đồng chí Đào Xuân Tú đã đề cao tinh thần trách nhiệm của các kiểm soát viên không lưu và nhân viên kỹ thuật đã tham gia trong buổi diễn tập, đánh giá cao việc đóng góp ý kiến nhằm giúp cho kịch bản được hoàn thiện hơn, ngoài ra đồng chí cũng yêu cầu các Trung tâm, Phòng chuyên môn nghiên cứu, đề xuất thêm các tình huống thực tế khác để thực hiện các buổi giả định ứng phó không lưu nhằm giúp các kiểm soát viên không lưu và nhân viên kỹ thuật thường xuyên nắm chắc được quy trình xử lý tình huống xảy ra, nâng cao khả năng phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bên, từ đó đảm bảo công tác điều hành bay không bị gián đoạn, an toàn tuyệt đối.


Trước đó, công ty Quản lý bay miền Trung cũng đã triển khai thực hiện ứng phó không lưu tại Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận - tại sân Cam Ranh, các Đài Kiểm soát không lưu với các tình huống theo thực tế tại các đơn vị, điều này nêu rõ sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Công ty trong việc phòng ngừa các tình huống gây suy giảm nghiêm trọng năng lực điều hành bay tại các Đài Kiểm soát không lưu thuộc khu vực trách nhiệm của Công ty Quản lý bay miền Trung. Ngoài ra, thông qua các kịch bản ứng phó không lưu được chuẩn bị kỹ lưỡng này, các kiểm soát viên không lưu sẽ có tầm nhìn trực quan, rõ ràng, nắm bắt từng bước quy trình xử lý khi đối mặt với các tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai. 

(VATM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website