1. Định hướng tổ chức Cuộc vận động:
- Các cơ quan, đơn vị cần phân biệt nội dung lương tâm, nhận thức, trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng về văn hóa an toàn khác với tuân thủ quy định về an toàn.
- Xác định nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn không phải là một hoạt động mang tính chất chuyên môn. Đây là vấn đề xây dựng môi trường Văn hóa an toàn để hệ thống bảo đảm an toàn phát huy được hiệu quả cao nhất.
- Lấy thanh niên là nòng cốt trong Cuộc vận động xây dựng Văn hóa an toàn tại đơn vị trên cơ sở mỗi đoàn viên, thanh niên gương mẫu phấn đấu trở thành một điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng Văn hóa an toàn.
- Các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động có trách nhiệm tham mưu giúp lãnh đạo đơn vị tổ chức, triển khai Cuộc vận động tại cơ quan, đơn vị mình.
2. Tổ chức đánh giá, khảo sát, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá nhận thức về Văn hóa an toàn:
- Cơ quan thường trực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng bộ tiêu chí khảo sát, đánh giá nhận thức về Văn hóa an toàn tại các cơ quan, đơn vị trong Ngành. Trên cơ sở đó xây dựng các điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu về Văn hóa an toàn.
- Nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn công nhận “Đơn vị Văn hóa an toàn Hàng không” trong Ngành.
3. Công tác tuyên truyền nội bộ về Văn hóa an toàn Hàng không:
- Các cơ quan, đơn vị xây dựng Chuyên mục “Cuộc vận động nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn Hàng không giai đoạn 2014 - 2020” trên website, ấn phẩm, bản tin nội bộ… của đơn vị.
- Xây dựng diễn đàn của Cục Hàng không Việt Nam về Văn hóa an toàn để cán bộ, công nhân viên, người lao động trong Ngành trao đổi, đóng góp ý kiến, nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn.
- Tạp chí Hàng không Việt Nam thiết kế, xây dựng logo của Cuộc vận động.
4. Nội dung giảng dạy, đào tạo, huấn luyện về Văn hóa an toàn:
Phòng Tổ chức cán bộ tham mưu cho lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đưa quy định về thời lượng giảng dạy, đào tạo, huấn luyện nội dung về Văn hóa an toàn là nội dung bắt buộc trong các chương trình giảng dạy, đào tạo, huấn luyện của Học viện Hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị trong Ngành.
5. Bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo:
Bổ sung thành phần đại diện lãnh đạo Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh Hàng không dân dụng Quốc gia tham gia Ban Chỉ đạo Cuộc vận động.
6. Giao lưu giữa các cơ quan, đơn vị về Văn hóa an toàn:
Các cơ quan, đơn vị trong Ngành chủ động tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức, triển khai xây dựng, nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn cho cán bộ, công nhân viên, người lao động
7. Kinh phí của Cuộc vận động:
- Các cơ quan, đơn vị trong Ngành bố trí kinh phí đầy đủ cho các hoạt động của Cuộc vận động tại đơn vị mình và hỗ trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp Ngành.
- Phòng Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, báo cáo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để tổ chức các hoạt động của Cuộc vận động cấp Ngành trong năm 2014./.