Theo hãng tin Kyodo, sắp tới Nhật Bản sẽ giảm bớt các thủ tục ở sân bay đối với các máy bay tư nhân nước ngoài đến nước này. Động thái này nhằm thu hút thêm nhiều du khách có khả năng chi tiêu lớn.
Chính phủ Nhật Bản cho biết theo các quy định mới, thời gian cần thiết để các máy bay tư nhân xin cấp phép hạ cánh tại nước này sẽ được rút ngắn từ mức tối thiểu 10 ngày trước khi đến xuống chỉ còn 3 ngày. Những trường hợp cấp bách có thể đệ đơn xin cấp phép 24 giờ trước khi hạ cánh xuống Nhật Bản.
Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, hiện tại nước này đã cho phép các máy bay phản lực tư nhân đến vì mục đích thương mại và y tế có xin phép trước 3 ngày.
Quy định sửa đổi dựa trên Luật Hàng không dân dụng sẽ bổ sung các máy bay đến Nhật Bản theo diện tham quan, du lịch. Những người giàu thường sử dụng máy bay phản lực tư nhân cho các chuyến du lịch để thuận tiện, thoải mái và riêng tư. Do đó, quyết định mới nói trên của Chính phủ Nhật Bản hướng tới thu hút nhóm đối tượng du khách nước ngoài có khả năng chi tiêu cao này.
Năm 2019, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 5.962 lượt máy bay phản lực tư nhân đến và đi, bao gồm cả vì mục đích kinh doanh, tăng 1,8 lần so với năm 2014. Con số này giảm xuống còn 1.332 lượt trong năm 2021 do đại dịch COVID-19, song đã tăng trở lại, đạt mức 3.142 lượt trong năm ngoái.
Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng khách quốc tế đến Xứ sở Mặt Trời mọc hằng năm sẽ chi tiêu cho du lịch lên tới 5.000 tỷ yen (35,5 tỷ USD), chủ yếu tăng ở phân khúc khách thượng lưu chi cho lưu trú khách sạn, mua sắm và ăn uống./.
(TTXVN/Vietnam+)
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng phương Tây đối mặt với nhiều thách thức, các tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới đang tăng cường tìm kiếm nguồn cung phụ tùng từ Ấn Độ.
Ấn Độ đang lên kế hoạch xây dựng sân bay ngoài khơi đầu tiên gần trung tâm tài chính Mumbai, như một phần trong nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của quốc gia.
IATA đã công bố phân tích về các hãng hàng không mới và cả các hãng hàng không ngừng hoạt động, trong đó năm 2024 chứng kiến số lượng cả hai loại này thấp nhất trong một thập kỷ, báo hiệu sự ổn định tạm thời của thị trường.
Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.