"Viên ngọc trên vương miện của ngành công nghiệp hàng không châu Phi"
Cách thủ đô Kigali của Rwanda khoảng 40km về phía nam, tại quận Bugesera, công tác xây dựng đang diễn ra hết sức khẩn trương để biến vùng đất khô cằn thành cảng hàng không được mệnh danh là "viên ngọc trên vương miện của ngành công nghiệp hàng không châu Phi".
Với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2026, sân bay sẽ gồm tòa nhà ga chính có diện tích 130.000m2, có công suất phục vụ 8 triệu hành khách mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên 14 triệu hành khách/năm vào những thập kỷ tới. Nằm liền kề là ga hàng hóa với công suất vận tải 150.000 tấn hàng hóa/năm. Dự án sân bay ở phía nam thủ đô nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và mở rộng sân bay quốc tế Kigali.
Thời điểm trước đại dịch Covid-19, sân bay quốc tế Kigali vận chuyển khoảng 1 triệu hành khách mỗi năm và có nhu cầu bức thiết cần phải mở rộng sân bay.
Đáng chú ý, dự án này có sự tham gia của hãng hàng không Trung Đông Qatar Airways nhằm giúp Rwanda - quốc gia không giáp biển nằm ở trung tâm châu Phi, hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm vận tải hàng không của châu lục. Hãng bay này sẽ sở hữu 60% cổ phần của sân bay mới trong dự án hợp tác.
Ông Jules Ndenga - Giám đốc điều hành Aviation Travel and Logistics Holding (công ty thuộc sở hữu của Chính phủ Rwanda chịu trách nhiệm giám sát việc xây dựng sân bay) cho biết mục tiêu chính của việc xây dựng sân bay mới ở thủ đô Kigali là nhằm giúp Rwanda trở thành trung tâm vận tải hàng không của châu Phi, hỗ trợ trung chuyển hành khách đi du lịch, công tác.
Ông Ndenga cũng tin tưởng, sau khi đi vào hoạt động, sân bay mới sẽ hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển bền vững của các khu vực xung quanh nói riêng và của nền kinh tế Rwanda nói chung.
Kỳ vọng giúp hàng không châu Phi cất cánh
Theo hãng tin CNN, lợi ích do sân bay mới đem lại có thể còn vượt ra ngoài biên giới Rwanda và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không châu Phi.
Theo đó, khi đi vào vận hành, sân bay này có thể hỗ trợ khắc phục tình trạng mạng lưới vận tải hàng không châu Phi đang bị phân mảnh, khiến hành khách buộc phải trung chuyển qua châu Âu hoặc Trung Đông khi di chuyển giữa các quốc gia châu Phi.
Hãng tin CNN nhận định việc thiếu kết nối hàng không giữa các quốc gia khiến châu Phi chưa khai thác được nhiều tiềm năng trong lĩnh vực hàng không.
Theo Giám đốc điều hành hãng hàng không RwandAir - bà Yvonne Manzi Makolo, hiện nay vấn đề kết nối giữa các quốc gia là “thách thức lớn nhất” đối với ngành công nghiệp hàng không châu Phi.
Bà Makolo cho biết: “Châu Phi là khu vực rất rộng lớn nhưng việc di chuyển bằng đường hàng không giữa các quốc gia trong khu vực lại khó khăn và cực kỳ đắt đỏ. Chi phí vận hành trong lĩnh vực hàng không tại châu Phi cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác, cả về dịch vụ mặt đất, các khoản phí thu của sân bay, phí khi di chuyển từ không phận của quốc gia này tới quốc gia khác…”.
“Nhiều trường hợp, những mức phí này có thể cao hơn tại khu vực Trung Đông và châu Âu tới 50%, hệ quả là giá vé máy bay cũng đắt đỏ và khiến một số tuyến bay không thể đưa vào khai thác”, theo bà Makolo.
Ngoài sân bay trên, một số hãng hàng không châu Phi cũng đang có kế hoạch hợp tác nhằm giải quyết tình trạng phân mảnh trong ngành công nghiệp hàng không khu vực. Chẳng hạn như hãng hàng không Kenya Airways đang có kế hoạch hợp tác với South African Airways và một số hãng bay khác.
Ông Allan Kilavuka - Giám đốc điều hành Kenya Airways cho rằng: “Chúng tôi cần hợp tác để có thể vận hành hiệu quả hơn về mặt kinh tế, khắc phục tình trạng chi phí vận hành hiện ở mức cao. Vấn đề này sẽ không thể khắc phục nếu chúng tôi cứ tiếp tục vận hành trong thị trường hàng không khu vực bị phân mảnh, thiếu liên kết như hiện tại”./.
(baogiaothong.vn)
Sau vụ tai nạn thảm khốc hôm 29/12/2024, Jeju Air đã công bố kế hoạch cắt giảm từ 10-15% hoạt động bay cho đến tháng 3 để tăng cường an toàn hoạt động.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ngày 6/1 thông báo đang điều tra về khả năng đã xảy ra sự cố bảo mật thông tin, sau khi có báo cáo cho rằng hàng chục nghìn tài liệu đã bị đánh cắp.
Đáp trả các lệnh trừng phạt, Nga đã cấm cửa máy bay từ "các quốc gia không thân thiện", buộc máy bay của Liên minh châu Âu phải chuyển hướng, khiến tiêu thụ nhiên liệu và chi phí tăng lên.
Ngày 17/01/2025, tại Trụ sở Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ lãnh đạo giữa nguyên Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng và tân Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng.