Sân bay Quốc tế Incheon, sân bay quốc tế lớn nhất của Hàn Quốc, đang tích cực đầu tư vào cơ sở hạ tầng xử lý hàng hóa thông minh với mục tiêu củng cố vị thế là một trung tâm logistics toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Nikkei Asia, Lee Sang-yong, Giám đốc điều hành của Logistics Group thuộc Sân bay Quốc tế Incheon, cho biết sân bay này đang mở rộng các hệ thống tự động để xử lý hiệu quả hơn các lô hàng đến từ các công ty thương mại điện tử và giảm nhu cầu nhân sự, do đó tránh được tình trạng thiếu lao động.
Theo ông Lee, logistics là động lực chính để tăng khả năng cạnh tranh. Bên cạnh việc vận chuyển hàng hóa, mục tiêu của sân bay Incheon là trở thành một trung tâm logistics cho toàn bộ khu vực xung quanh sân bay, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á.
Sân bay Quốc tế Incheon, nằm trên một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của Hàn Quốc, khai trương vào năm 2001. Sân bay này đã giành được giải thưởng Sân bay Thế giới của năm của Skytrax vào năm 2009 và 2012. Sân bay này thuộc sở hữu của Tập đoàn Sân bay Quốc tế Incheon, một cơ quan chính phủ trực thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Vận tải Hàn Quốc.
Mặc dù các sân bay không bị ảnh hưởng nhiều như các hãng hàng không khi lượng hành khách sụt giảm do đại dịch gây ra, song các sân bay vẫn ghi nhận những khoản lỗ lớn do chi phí cố định cao. Tuy nhiên, dịch vụ thương mại điện tử bùng nổ do đại dịch COVID-19 đã kéo theo nhu cầu hàng thực phẩm và đồ điện tử tăng lên trong bối cảnh người tiêu dùng tìm kiếm các bữa ăn và hoạt động giải trí tại nhà.
Theo Hội đồng Sân bay Quốc tế, năm 2021, sân bay Quốc tế Incheon ghi nhận lượng hàng hóa tăng mạnh, xử lý tới 3,3 triệu tấn hàng hóa, đứng thứ hai thế giới sau Sân bay Quốc tế Hong Kong (Trung Quốc), ghi nhận mức tăng 18,6% so với năm trước đó và tăng 22,9% so với năm 2019, năm cuối cùng trước đại dịch.
Những thay đổi tại sân bay Incheon được cho là phù hợp với những thay đổi tại các trung tâm hàng không khác trên khắp thế giới, trong bối cảnh các nhà khai thác chuẩn bị cho lượng lưu thông hàng không không thể đoán trước trong tương lai. Hồi tháng 2/2023, công ty tư vấn McKinsey công bố một báo cáo cho thấy các sân bay nên xem xét các cách mới để đa dạng hóa nguồn doanh thu và duy trì hoạt động lâu dài.
Ông Lee cũng cho rằng những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng đòi hỏi sân bay Incheon phải thay đổi cách tiếp nhận, lưu trữ và phân loại hàng hóa. Do ngày càng có nhiều người mua sắm quần áo và đồ điện tử trực tuyến, sân bay này sẽ phải vật lộn với sự gia tăng các kiện hàng nhỏ, đòi hỏi phải xử lý phức tạp hơn so với các mặt hàng cồng kềnh mà các nhà ga hàng hóa của sân bay thường xử lý.
Ngoài ra, do nhu cầu đối với thực phẩm nhập khẩu và các mặt hàng chăm sóc sức khỏe tăng lên, sân bay này đang mở rộng các cơ sở lưu trữ hàng hóa lạnh. Sân bay quốc tế Incheon đã nhận được chứng nhận từ các cơ quan toàn cầu về việc xử lý an toàn các sản phẩm dược phẩm và thực phẩm, cũng như pin lithium, loại pin có thể gây cháy hoặc nổ nếu bảo quản không đúng cách.
Sân bay Incheon đang điều hành một khu kinh tế tự do bao gồm hai khu phức hợp logistics. Khu đầu tiên được khai trương vào năm 2007 và khu thứ hai được bổ sung vào năm 2020, nhằm tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu và phân phối, vận chuyển sang quốc gia khác hoặc giao hàng trong nước ở Hàn Quốc. Các công ty hoạt động trong khu vực này có thể được hưởng các lợi ích về thuế quan và thủ tục hải quan nhanh chóng.
Các chuyên gia cho biết việc cung cấp cho các công ty các thủ tục thông quan nhanh chóng và dễ dàng là chìa khóa giúp các sân bay trở thành điểm đến logistics. Kam Hung Ng, trợ lý giáo sư kỹ thuật hàng không tại Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) cho biết vị trí của Hàn Quốc ở Đông Á và sức hấp dẫn như một điểm đến du lịch định vị Sân bay Quốc tế Incheon trong tương lai. Cả lưu lượng hành khách và hàng hóa có thể cùng phát triển, mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế của ngành hàng không Hàn Quốc.
Về lưu lượng khách hàng, trong năm đầu tiên hoạt động, sân bay quốc tế Incheon mới chỉ đón tiếp khoảng 14,5 triệu lượt hành khách đến và đi từ sân bay này. Con số đó đã tăng lên 71 triệu lượt hành khách vào năm 2019, trước khi giảm xuống trong những năm đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. Năm 2021, chỉ có 3,19 triệu lượt hành khách qua sân bay này. Lượng hành khách đã tăng lên 17,8 triệu lượt trong năm 2022 khi nhiều nước nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 như các yêu cầu xét nghiệm và tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhìn chung, hoạt động đi lại bằng đường hàng không đang tiến gần đến mức trước đại dịch. Trong tháng 2/2023, lưu lượng hàng khách đi lại bằng đường hàng không toàn cầu đã tăng 55% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt 97% so với mức được ghi nhận vào năm 2019. Mặt khác, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong tháng 2/2023 đã giảm 7,5% so với mức của tháng 2/2022, nhưng vẫn cao hơn 2,9% so với mức trước đại dịch.
Ông Lee hy vọng lượng hành khách của Sân bay Quốc tế Incheon sẽ hoàn toàn trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay. Ông cho biết thêm mục tiêu dài hạn của Sân bay Quốc tế Incheon là giảm 60% mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2030 và tiếp tục nâng cao trải nghiệm của hành khách với các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc tại các khu vực khởi hành./.
(TTXVN/Bnews)
Sau vụ tai nạn thảm khốc hôm 29/12/2024, Jeju Air đã công bố kế hoạch cắt giảm từ 10-15% hoạt động bay cho đến tháng 3 để tăng cường an toàn hoạt động.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ngày 6/1 thông báo đang điều tra về khả năng đã xảy ra sự cố bảo mật thông tin, sau khi có báo cáo cho rằng hàng chục nghìn tài liệu đã bị đánh cắp.
Đáp trả các lệnh trừng phạt, Nga đã cấm cửa máy bay từ "các quốc gia không thân thiện", buộc máy bay của Liên minh châu Âu phải chuyển hướng, khiến tiêu thụ nhiên liệu và chi phí tăng lên.
Các hãng HKVN đã tiếp tục bổ sung thêm 586 chuyến trong giai đoạn từ ngày 17/01/2025 đến ngày 12/02/2025.