Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith ngày 8/8 cho biết Thai Airways International Plc sẽ nhận được khoản hỗ trợ tài chính quan trọng từ chính phủ cho kế hoạch tăng vốn lên 80 tỷ baht (2,2 tỷ USD) và hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu nhằm giúp hãng hàng không quốc gia nước này thoát khỏi tình trạng phá sản do đại dịch COVID-19 gây ra.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Arkhom cho hay các ngân hàng thuộc sở hữu của nhà nước sẽ dẫn đầu trong hoạt động cấp vốn cho những khoản vay mới, chuyển đổi nợ và tăng cổ phần vào Thai Airways như một phần của kế hoạch cải tổ mà hãng hàng không này đưa ra và được tòa án phê duyệt hồi tháng trước.
Ông lưu ý thêm rằng Bộ Tài chính Thái Lan và một số cơ quan nhà nước khác sẽ tiếp tục duy trì cổ phần ít nhất ở mức 40%, nhưng tỷ lệ này sẽ không vượt quá 50% để thúc đẩy nhà cung cấp dịch vụ duy trì tính cạnh tranh. Kế hoạch tái cơ cấu nợ của Thai Airways dưới sự giám sát của tòa án dự kiến hoàn tất vào năm 2024.
Trước đó, Hãng hàng không quốc gia Thái Lan đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2020, do lỗ lũy kế kể từ năm 2013. Tuy nhiên, sự phục hồi của du lịch hàng không toàn cầu trong thời gian gần đây đã giúp dòng vốn của Thai Airways lưu thông tốt hơn và giảm các khoản vay.
Ông Arkhom nhấn mạnh: “Tình hình của Thai Airways đã tốt hơn nhiều” và điều đó đã nâng cao niềm tin của các chủ nợ và cổ đông vào sự tồn tại và tương lai của hãng.Các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Thái Lan có thể sẽ cung cấp toàn bộ số tiền 13 tỷ baht cho những khoản vay mới mà hãng hàng không đang tìm kiếm - tức là khoảng một nửa so với khoản tiền 25 tỷ baht đã được Thai Airways đề xuất trước đó.
Việc mở lại biên giới của Thái Lan và các quốc gia khác cũng sẽ hỗ trợ dòng tiền luân chuyển, bởi lẽ các chuyến bay có lợi nhuận cao nhất của Thai Airways là những chuyến bay kết nối với châu Âu.
Nỗ lực cải thiện về tài chính và kế hoạch huy động vốn sẽ đẩy nhanh tiến trình nối lại giao dịch cổ phiếu của Thai Airways, vốn đã bị đình chỉ vào tháng 5, so với mốc thời gian được đưa ra trước đó là vào năm 2025./.
(TTXVN/Vietnam+)
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng phương Tây đối mặt với nhiều thách thức, các tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới đang tăng cường tìm kiếm nguồn cung phụ tùng từ Ấn Độ.
Ấn Độ đang lên kế hoạch xây dựng sân bay ngoài khơi đầu tiên gần trung tâm tài chính Mumbai, như một phần trong nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của quốc gia.
IATA đã công bố phân tích về các hãng hàng không mới và cả các hãng hàng không ngừng hoạt động, trong đó năm 2024 chứng kiến số lượng cả hai loại này thấp nhất trong một thập kỷ, báo hiệu sự ổn định tạm thời của thị trường.
Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.