Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chậm hủy chuyến bay

Thứ Năm, 07/08/2014 - 17:22 GMT+7

 Đánh giá tình hình 7 tháng đầu năm 2014 của Cục Hàng không Việt Nam trên các lĩnh vực An toàn, An ninh Hàng không và chậm, hủy chuyến. Kết quả thực hiện Kết luận ngày 11/7/2014 và Chỉ thị số 15/CT-BGTVT ngày 15/7/2014 của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

A. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH 7 THÁNG 2014 VÀ ĐÁNH GIÁ TỒN TẠI, THIẾU SÓT
          I. Về an toàn hàng không:
1. Trong khoảng thời gian từ 01/01/2014 đến 31/07/2014 đã xảy ra tổng số 175 sự cố an toàn (tăng 34 vụ, tương đương 24% so cùng kỳ năm 2013; đánh giá như sau:
- Tỷ lệ sự cố/giờ bay 7 tháng đầu năm 2014 giảm nhẹ (0,00087/100.000 giờ bay so với 0,0009/100.000 giờ bay); tỷ lệ sự cố/chuyến bay tăng nhẹ (0,0015/100.000 chuyến bay so với 0,0014/100.000 chuyến bay) so với 7 tháng đầu năm 2013.
- Số lượng sự cố mức E và D tăng hơn 25,7%; tuy nhiên số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao (mức C) giảm 2 vụ, không có mức A và B.
- Công tác đảm bảo kỹ thuật tàu bay tính theo chỉ số độ tin cậy khởi hành (số chuyến bay thực hiện – số chuyến bay chậm do kỹ thuật/số chuyến bay thực hiện+số chuyến bay huỷ do kỹ thuật) ở mức độ chấp nhận được (VNA – 99,16%, JPA – 98,77%, VJA – 99,27%, tỷ lệ chung 3 hãng là – 99,10%; so với tỷ lệ cao nhất của thế giới theo thống kê của Airbus là 99,70%).
- Sự cố do lỗi nhân viên hàng không giảm mạnh (24 vụ so 34 vụ cùng kỳ năm 2013); số lượng sự cố liên quan đến thành viên tổ bay và nhân viên phục vụ mặt đất  giảm sâu (05 vụ so 18 vụ), thể hiện sự tiến bộ về việc tuân thủ quy trình khai thác và quy trình bảo dưỡng tàu bay.
2. Những hạn chế, tồn tại của công tác giám sát an toàn hàng không:
- Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn đã được ban hành cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn ICAO, tuy nhiên chất lượng thực hiện chưa cao. Công tác giám sát trực tiếp của Cảng vụ còn yếu, thiếu nhân lực chuyên môn sâu. Cục HKVN chưa quyết liệt trong việc đôn đốc các đơn vị thực hiện các khuyến cáo, yêu cầu; việc áp dụng chế tài trong trường hợp phát hiện sai lỗi còn hạn chế.
- Vẫn để xảy sự cố hàng không do lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay, lỗi hệ thống.
          - Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cho hành khách còn kém hiệu quả dẫn đến các vụ hành khách không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không tăng mạnh (14 sự cố so 4 sự cố cùng kỳ năm 2013).
          - Thời tiết phức tạp, chất lượng dịch vụ khí tượng còn hạn chế làm 106 chuyến phải bay chờ, đi sân bay dự bị;
          - Một số chỉ số an toàn đến mức độ cảnh báo (theo Chương trình An toàn Hàng không Quốc gia):
          + Sự cố do chim va chạm tăng cao (22 vụ); các biện pháp xua đuổi chim chưa; các cảng chưa tuân thủ nghiêm Sổ tay hướng dẫn của Cục HKVN;
          + Sự cố do vật ngoại lai 7 tháng 2014 còn cao (11 vụ); quy trình khai thác trong quá trình sửa chữa khu bay chưa được kiểm soát tốt;
          + Sự cố xâm nhập trái phép đường lăn, sân đỗ do cảng HK không kịp thời thực hiện quy trình cập nhật AIP về thông số khai thác sân bay; sự phối hợp giữa đơn vị thi công, sân bay, đài chỉ huy chưa tốt; hệ thống đánh số sân đỗ chưa khoa học.
II. Về an ninh hàng không:
1. Từ 01/01/2014 đến 31/07/2014 đã xảy ra 171 vụ việc vi phạm về an ninh hàng không, tăng 77 vụ tương ứng với 82% so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên không có vụ việc nghiêm trọng; các vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời. Cụ thể:
- Số vụ vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay tăng 450%. Các trường hợp trên đều do xác nhận nhân thân không đúng của chính quyền cấp xã, phường vì mục đích kinh tế, hợp thức để sử dụng giá vé rẻ.
- Tung tin có bom, vật liệu nổ khi đi tàu bay tăng đột biến (07 vụ = 700%). Các vụ trên đều do sự thiếu hiểu biết của hành khách.
- Số vụ hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định tăng 50%, chủ yếu trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam;
- Số vụ gây rối, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, nhân viên hàng không thực hiện không đúng nhiệm vụ tăng 182%.
2. Những tồn tại, hạn chế của công tác bảo đảm an ninh:
- Các hãng hàng không Việt Nam chưa thực hiện tốt việc triển khai các quy định của pháp luật Việt Nam tại sân bay nước ngoài; chưa thiết lập hệ thống bảo đảm an ninh độc lập của hãng.
- Việc duy trì kỷ luật trật tự tại các cảng hàng không sân bay chưa tốt, chưa đủ tính răn đe.
- Một số chính quyền cấp phường, xã vi phạm nghiêm trọng quy định về chứng nhận nhân thân.
- Công tác chỉ đạo, phối hợp của Cục HKVN, cảng vụ hàng không về bảo đảm an ninh hàng không còn một số hạn chế.
          III. Về tình trạng chậm, hủy chuyến bay
          1. Trong 7 tháng đầu năm 2014, các hãng HKVN thực hiện 86.864 chuyến bay, tỷ lệ chậm là 20,9% (tăng 4,9 điểm so cùng kỳ năm 2013), tỷ lệ hủy là 3,0% (tăng 0,5 điểm so cùng kỳ năm 2013); như vậy tổng cộng tỷ lệ chậm, huỷ chuyến là 23,9%.
Tỷ lệ chậm/hủy của các hãng HKVN:
Hãng hàng không
Chậm chuyến
Hủy chuyến
Vietnam Airlines
13,1% (tăng 3,0 điểm)
2,6% (tăng 0,1 điểm)
Jetstar Pacific Airlines
41,5% (giảm 0,2 điểm)
3,4% (giảm 0,6 điểm)
VietJet Air
40,1% (tăng 5,3 điểm)
3,2% (tăng 1,5 điểm)
VASCO
10,1% (tăng 4,6 điểm)
7,5% (tăng 4,7 điểm)
          2. Những tồn tại, hạn chế liên quan đến tình trạng chậm, hủy chuyến bay:
          - Nhiều nhóm nguyên nhân chủ quan trực tiếp gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay: hạ tầng một số cảng hàng không, sân bay chưa đáp ứng tốc độ phát triển; sự quá tải tại các sân bay lớn (khu bay, nhà ga); tắc nghẽn không lưu tại sân bay Nội Bài và TSN; công tác lập kế hoạch, chuẩn bị trước chuyến bay của hãng hàng không còn hạn chế; cách tính thời gian quay đầu tàu bay chưa phù hợp; sự phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trong dây chuyền tại một số CHKSB chưa tốt.
          - Công tác giám sát bảo đảm an ninh, an toàn hàng không còn hạn chế; việc chỉ đạo, giám sát thực hiện các khuyến cáo, yêu cầu liên quan đến kết cấu hạ tầng, phương tiện tại cảng hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không, nâng cao chất lượng dịch vụ còn hạn chế.
          - Công tác giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền lợi của hành khách, việc thực hiện trách nhiệm của hãng hàng không trong trường hợp chậm, hủy chuyến bay theo các văn bản pháp luật còn hạn chế; việc thực hiện nghĩa vụ của các hãng hàng không, văn hoá ứng xử của nhân viên hàng không còn nhiều tồn tại, thiếu sót.
B. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỈ THỊ 15/CT-BGTVT NGÀY 15/7/2014
          I. Công việc đã triển khai
          1. Nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh lại nhận thức về trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, chậm hủy chuyến:
- Lãnh đạo Cục HKVN nhận trách nhiệm trước Bộ trưởng trong việc chưa kiên quyết chỉ đạo thực hiện các khuyến cáo được Cục ban hành, chưa kiên quyết trong việc áp dụng chế tài; phê bình các Phòng chuyên môn và Cảng vụ chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát;
- Xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 tổ chức và cá nhân liên quan đối với vụ vận chuyển nhầm hành khách của Vietjet Air ngày 18/6/2014, áp dụng các tình tiết tăng nặng đối với tổ chức, cá nhân che dấu vi phạm, vi phạm mang tính hệ thống; yêu cầu các đơn vị đình chỉ công tác 9 cán bộ, nhân viên để kiểm điểm kỷ luật.
          2. Triển khai các nhiệm vụ nhằm giảm chậm, hủy chuyến bay; giám sát việc thực hiện trách nhiệm cuả hãng hàng không:
- Ban hành Chỉ thị số 2505/CT-CHK ngày 12/7/2014 chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển và thực hiện nghĩa vụ của các hãng hàng không Việt Nam đối với hành khách trong việc chuyến bay bị chậm, hủy;
- Ban hành Quyết định số 1078/QĐ-CHK ngày 17/7/2014 ban hành Kế hoạch hành động của Cục HKVN nhằm triển khai Chỉ thị 15/CT-BGTVT của Bộ trưởng;
- Ban hành Chỉ thị số 2583/CT-CHK ngày 18/7/2014 chỉ đạo việc phối hợp trong cung cấp dịch vụ kỹ thuật mặt đất tại Cảng Hàng không (Cảng HK) Vinh và Cảng HK Cát Bi;
- Thực hiện đợt giám sát đặc biệt có hiệu quả đối với Vietjet Air về công tác bảo đảm an toàn khai thác tàu bay, chuẩn bị chuyến bay từ ngày 26/6 đến 23/7/2014; thanh tra đột xuất 05 cơ sở Thủ tục bay tại các Cảng HKQT Nội Bài, TSN, Cam Ranh và các Cảng HK Đồng Hới và Buôn Ma Thuột; huấn luyện tại chỗ cho các cảng vụ về công tác giám sát khai thác;
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, trực tiếp giám sát công tác chuẩn bị trước chuyến bay, khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam, việc cung cấp dịch vụ phi hàng không tại các Cảng hàng không quốc tế (Cảng HKQT) Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất từ ngày 13-17/7/2014 và 31/7-1/8/2014.
- Tổ chức thống kê số liệu về chậm, hủy chuyến bay hàng ngày của các hãng hàng không Việt Nam và chủ động công bố số liệu, nguyên nhân chậm, hủy chuyến bay hàng ngày (kể từ 13/7/2014).
- Ngày 18/7/2014, Cục HKVN đã tổ chức cuộc họp thống nhất chủ trương, giải pháp cụ thể trong việc hợp tác, phối hợp giữa các hãng hàng không vì sự phát triển chung của ngành và lợi ích của mỗi hãng. Về cơ bản, các hãng thống nhất được nội dung hợp tác trên các lĩnh vực như: hợp tác đảm bảo khai thác an toàn tàu bay; cung ứng vật tư, khí tài tàu bay, bảo dưỡng tàu bay; sử dụng thiết bị giả định (SIM; đào tạo, huấn luyện; hợp tác chuyển khách, thuê chuyến trong trường hợp chậm, hủy chuyến; cung cấp dịch vụ hàng không, đặc biệt là dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; về tuyển dụng cán bộ, nhân viên của VN, đặc biệt là phi công, cán bộ kỹ thuật tàu bay. Trên cơ sở nhu cầu của các bên, các hãng sẽ thống nhất nội dung hợp tác từng lĩnh vực cụ thể.
          - Cục HKVN đã phối hợp với các cảng vụ hàng không, các CHKSB tiến hành khảo sát, cập nhật năng lực khai thác các CHKSB, thực hiện ngay việc điều tiết slot tại các cảng hàng không địa phương và các giải pháp đối với lịch bay mùa Đông tháng 10/2014.
- Bước đầu rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế, tài liệu hướng dẫn liên quan đến khai thác tàu bay; rà soát, chấn chỉnh công tác đào tạo, huấn luyện nội bộ, công tác sát hạch cấp phép, năng định cho nhân viên hàng không.
          - Tăng cường hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xây dựng văn hóa, văn minh hàng không.
          II. Kết quả bước đầu
- Toàn ngành đã thực sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc thực hiện các yêu cầu theo Kết luận ngày 11/7/2014 và Chỉ thị số 15/CT-BGTVT ngày 15/7/2014 của Bộ trưởng.
- Từ 15/7 đến 31/7 chỉ xảy ra 2 sự cố mức E (chưa uy hiếp an toàn bay); ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, quy trình nghiệp vụ của nhân viên được nâng cao. VietJet Air đã khắc phục tất cả các tồn tại nêu tại Khuyến cáo 7/5/2014 và kết quả đợt giám sát đặc biệt của Cục HKVN. Công tác triển khai kế hoạch khai thác, nộp và chấp thuận thủ tục bay, chuẩn bị trước chuyến bay đã thực hiện nghiêm đúng quy định.
- Trong tháng 7, các hãng HKVN thực hiện 15.844 chuyến bay, tỷ lệ chậm là 20,7% (tăng 3,2 điểm so cùng kỳ 2013), tỷ lệ hủy là 1,4% (giảm 0,3 điểm so cùng kỳ 2013), tổng cộng tỷ lệ chậm hủy chuyến là 22,1%, có giảm so với bình quân 7 tháng đầu năm là 23,9%. Trong đó, không còn huỷ chuyến vì lý do thương mại.
- Các nhà báo, phóng viên đã có những bài viết, phóng sự phản ánh trung thực, khách quan về hoạt động của ngành hàng không, nỗ lực của các đơn vị trong ngành, tuyên truyền nâng cao nhận thức của hành khách đi tàu bay.
          III. Định hướng giải pháp tiếp tục thực hiện
          1. Toàn ngành xây dựng Văn hoá an toàn hàng không; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “4 xin-4 luôn”; nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu.
2. Cục HKVN:
- Khẩn trương hoàn thành trình Bộ trưởng phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về HKDD của Cục HKVN; tiếp tục thực hiện quyết liệt Chương trình hành động của Cục HKVN nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, giảm tình trạng chậm hủy chuyến bay ban hành kèm theo Quyết định số 1078/QĐ-CHK ngày 17/7/2014.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện các Biên bản giữa Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng về quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay, mở rộng hạ tầng sân bay phục vụ hoạt động HKDD;
- Triển khai quyết liệt Kế hoạch số 996/QĐ-CHK ngày 01/07/2014 của Cục HKVN thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không; Đề án phát triển đào tạo nguồn nhân lực hàng không đã được Bộ trưởng phê duyệt;
- Tăng cường tuyên truyền cho hành khách về chế tài đối với các hành vi vi phạm để giảm thiểu và quản lý được hành khách gây rối;
3. ACV, các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay:
- Tiếp tục mở rộng, cải tiến kết cấu hạ tầng CHKSB, tăng cường đầu tư trang thiết bị, nhân lực đáp ứng thực tiễn hoạt động và nhu cầu phát triển của vận chuyển hàng không;
- Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Hệ thống Quản lý an toàn (SMS), Tổ An toàn đường cất hạ cánh; thường xuyên rà soát, cập nhật tài liệu khai thác đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế;
- ACV chú trọng nâng cao chất lượng dự báo khí tượng tại sân bay; rà soát, nâng cao chất lượng, bổ sung lĩnh vực huấn luyện đào tạo nhân viên hàng không;
- Duy trì nghiêm kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
4. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam
- Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Hệ thống Quản lý an toàn (SMS); thường xuyên rà soát, cập nhật tài liệu khai thác đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế;
- Rà soát, nâng cao chất lượng, bổ sung lĩnh vực huấn luyện đào tạo nhân viên hàng không, đặc biệt là KSVKL;
- Nâng cao chất lượng công tác báo cáo sự cố.
- Duy trì nghiêm kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
          5. Các hãng hàng không Việt Nam:
          - Rà soát, nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật; chất lượng vận hành Hệ thống quản lý an toàn (SMS); thường xuyên rà soát, cập nhật tài liệu khai thác đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế;
          - Điều chỉnh lịch bay, bao gồm thời gian quay đầu tàu bay, thời gian lăn ra, lăn vào phù hợp với năng lực của hãng và điều kiện khai thác thực tế của cảng hàng không, sân bay; bảo đảm giờ bay dự phòng; thực hiện nghiêm các nghĩa vụ của hãng trong điều kiện chậm, huỷ chuyến; loại bỏ việc huỷ chuyến vì lý do thương mại;
          - Rà soát, chấn chỉnh các quy trình chuẩn bị và thực hiện chuyến bay, đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn hàng không.
          - Tổ chức đánh giá năng lực hạ tầng, trang thiết bị và phục vụ mặt đất tại toàn bộ hệ thống cảng hàng không, sân bay để điều chỉnh lịch bay phù hợp./.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Liên kết website