Trước thềm hội nghị quan trọng này, Phóng viên Báo Giao thông đã trao đổi với Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng liên quan đến việc đảm bảo an toàn hàng không tại Việt Nam. Trang Thông tin điện tử Cục HKVN trân trọng đăng toàn bộ nội dung trao đổi này.
Các hãng hàng không nhận nhiều chứng chỉ an toàn khai thác uy tín bậc nhất
Từ năm 1997 đến nay, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã đảm bảo an toàn trong mọi hoạt động. Ông có thể nói gì về thành tựu mà "nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước phát triển không có được" này?
Ông Đinh Việt Thắng: Việc duy trì được an toàn hàng không từ năm 1997 đến nay là một thành quả rất đáng được ghi nhận không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi thế giới.Theo bảng xếp hạng của AirlineRatings.com (Úc), Vietnam Airlines - hãng hàng không quốc gia Việt Nam - là một trong 20 hãng hàng không an toàn tốt nhất thế giới năm 2023. Vietjet Air là một trong 25 hãng hàng không giá rẻ an toàn nhất năm 2023. Cả hai hãng này đều vinh dự nhận đánh giá an toàn 7 sao, mức cao nhất được đánh giá. Các hãng hàng không khai thác quốc tế như Bamboo Airways, Pacific Airlines cũng đạt được các chứng nhận an toàn khai thác (IOSA) của Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế (IATA).
Các hãng hàng không Việt Nam đều lọt top an toàn bậc nhất thế giới.
Thành quả này là kết quả của những chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước và quá trình nỗ lực không ngừng của Bộ GTVT, ngành hàng không trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng, triển khai hệ thống quản lý an toàn. Cụ thể, kể từ năm 1997, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương, định hướng thúc đẩy chuyển giao công nghệ, lựa chọn, sử dụng tàu bay, trang bị hiện đại, thế hệ mới có độ tin cậy đảm bảo an toàn cao.
Bên cạnh đó là quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách về an toàn hàng không như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định, Thông tư về an toàn hàng không. Chúng ta cũng từng bước thiết lập và triển khai hệ thống quản lý an toàn mới để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của nhà chức trách hàng không cũng như khả năng đảm bảo an toàn hàng không của các đơn vị trong ngành hàng không.
Đảm bảo an toàn hàng không chắc chắn không thể là các giải pháp "cứng". Đặc biệt, trong bối cảnh ngành hàng không có sự tăng trưởng mạnh mẽ, chúng ta càng phải cập nhật, phát hiện những hạn chế nhằm nâng cao hơn nữa mức độ an toàn trong mỗi chuyến bay. Theo ông, đâu là giải pháp quan trọng nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ mang tính sống còn với ngành hàng không, với hãng hàng không này?
Ông Đinh Việt Thắng: An toàn hàng không là nhiệm vụ hàng đầu và cũng là nhiệm vụ sống còn. Đảm bảo an toàn hàng không đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong đó xây dựng, hoàn thiện thể chế, đảm bảo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển là 3 nội dung quan trọng cần được chú trọng và thực hiện
Về xây dựng và hoàn thiện thể chế bao gồm tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật Hàng không dân dụng trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực hiện, thường xuyên sửa đổi, cập nhật bổ sung các quy định về đảm bảo an toàn hàng không để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế, thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý của Việt Nam nhằm nâng cao công tác đảm bảo an toàn cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi, thực hiện; xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ chương trình an toàn hàng không quốc gia (SSP), hệ thống quản lý an toàn (SMS) đối với các tổ chức hàng không, nâng cao năng lực giám sát an toàn đạt tiêu chuẩn của nhà chức trách hàng không.
Về đảm bảo nguồn nhân lực bao gồm đảm bảo nguồn lực giám sát viên an toàn của nhà chức trách hàng không đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế; đảm bảo duy trì nguồn nhân lực nhân viên hàng không hoạt động trong các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng, tổ chức huấn luyện và các đơn vị trong ngành hàng không. Khuyến khích nâng cao năng lực huấn luyện đào tạo các nguồn nhân lực hàng không của các tổ chức huấn luyện trong nước nhằm tự chủ, chủ động được các nguồn lực đảm bảo an toàn.
Đảm bảo cơ sở hạ tầng bao gồm quy hoạch, xây dựng sân bay để tránh tình trạng sân bay quá tải; quy hoạch và thực hiện các giải pháp, ứng dụng công nghệ mới để tối ưu quản lý vùng trời tránh tình trạng tắc nghẽn không lưu và tối ưu hoạt động bay.
Coi trọng và đặt an toàn ở vị trí ưu tiên
Ông đánh giá như thế nào về hệ thống quản lý an toàn của các hãng hàng không nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung?
Ông Đinh Việt Thắng: Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý an toàn hiệu quả, hiệu lực, xây dựng văn hóa an toàn hàng không là mục tiêu quan trọng của ngành hàng không Việt Nam. Hệ thống an toàn của các hãng hàng không phải bao gồm các nội dung chính như chính sách và mục tiêu an toàn, quản lý rủi ro an toàn hàng không, bảo đảm an toàn và thúc đẩy an toàn, chia sẻ và bảo vệ dữ liệu an toàn hàng không.
Cục Hàng không VN đã phê chuẩn các chương trình hệ thống quản lý an toàn của các nhà cung cấp dịch vụ hàng không như các hãng hàng không, các cảng hàng không và nhà cung cấp dịch vụ điều hành bay kể từ năm 2011.
Các hệ thống quản lý an toàn của các đơn vị trong ngành hàng không cơ bản được thiết lập và triển khai. Đối với hệ thống quản lý an toàn có 3 mức về quản lý rủi ro an toàn là bị động (reactive - giảm thiểu hậu quả của các sự cố an toàn và các mối nguy), chủ động (proactive - nhận diện các rủi ro an toàn trước khi sự cố an toàn có thể xảy ra) và dự báo (predictive - dự báo được các rủi ro tương lai dựa trên quá trình thu thập, phân tích dữ liệu trong quá khứ).
Hiện tại, các đơn vị trong ngành hàng không đang tiếp cận đến mức chủ động về quản lý rủi ro. Cục Hàng không VN sẽ tiếp tục thúc đẩy để đạt đến năng lực cao nhất của hệ thống quản lý an toàn là dự báo.
Ông vừa nói đến tầm quan trọng của xây dựng văn hoá an toàn. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Ông Đinh Việt Thắng: Văn hóa an toàn được hiểu là nhận thức, ý thức, cách ứng xử, tinh thần trách nhiệm của mỗi người đối với vấn đề an toàn.
Đối với doanh nghiệp, văn hóa an toàn thể hiện ở sự coi trọng và đặt ở vị trí ưu tiên về an toàn hàng không của các cấp quản lý và nhân viên trong tổ chức, thể hiện ở việc nhận diện và đánh giá đầy đủ các nguy cơ mất an toàn để có các biện pháp giảm thiểu, phòng ngừa; luôn luôn duy trì thái độ, trách nhiệm đối với đảm bảo an toàn; có thể tiếp cận các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ an toàn; sẵn sàng và có khả năng thích nghi khi đối mặt với các vấn đề an toàn; sẵn sàng trao đổi, thảo luận, báo cáo, thông báo các vấn đề về an toàn; thúc đẩy và cải tiến liên tục hệ thống quản lý an toàn.
Trong một nền văn hóa an toàn vững mạnh, các cấp quản lý và nhân viên đều cảm thấy có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn, và luôn nỗ lực để đạt được điều đó mỗi ngày. Người lao động không chỉ hoàn thành đúng nhiệm vụ của mình mà còn tự động nhận diện, báo cáo các tình trạng và hành vi thiếu an toàn, tham gia vào việc điều chỉnh, khắc phục.
Đối với cộng đồng, văn hóa an toàn thể hiện qua nhận thức hoặc ý thức đối với hoạt động hàng không của người dân tham gia (như hành khách đi tàu bay) hoặc không tham gia giao thông hàng không (như người dân sống ở các khu vực lân cận sân bay). Thực tế thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ việc hành khách hút thuốc trên tàu bay, mở cửa thoát hiểm của tàu bay khi chưa được phép, người dân sống khu vực lân cận sân bay chiếu tia laser vào tàu bay, đốt rơm rạ gây khói mù, uy hiếp an toàn bay…
Để giảm thiểu các việc này và xây dựng văn hóa trong cộng đồng đối với an toàn giao thông hàng không, Cục Hàng không VN đã triển khai nhiều chương trình phổ biến tuyên truyền pháp luật về an ninh an toàn hàng không, nhiều hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn hàng không tại các cảng hàng không tại các địa phương; yêu cầu các Cảng hàng không, các hãng hàng không xây dựng các bảng thông tin, hướng dẫn và phát thanh an toàn cho hành khách tại cảng hàng không sân bay và trên tàu bay.
25 năm liên tục không xảy ra tai nạn trong vận tải hàng không thương mại
Theo ông, Việt Nam có được coi là có chuẩn mực cao về an toàn hàng không?
Ông Đinh Việt Thắng: Năm 2019, Việt Nam được Cục Hàng không Liên bang Mỹ trao chứng nhận an toàn mức 1, mức cao nhất trong hệ thống đánh giá đối với các quốc gia có năng lực an toàn hàng không đáp ứng các Tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO).
Hàng không Việt Nam cũng đã trải qua hơn 25 năm duy trì liên tục không xảy ra tai nạn hàng không trong vận tải hàng không thương mại. Các hãng hàng không hiện nay của Việt Nam hoạt động bay quốc tế như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways đều đã được cấp Chứng nhận an toàn khai thác (IOSA) của Hiệp hội vận tải hàng không thương mại quốc tế (IATA). Vietnam Airlines và Vietjet Air thuộc nhóm 20 hãng hàng không được đánh giá an toàn 7 sao, mức cao nhất của chuyên trang an toàn hàng không AirlineRatings.com.
Như vậy, có thể nói Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất của thế giới. Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục nỗ lực để đảm bảo đáp ứng liên tục các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn hàng không.
Ông đánh giá như thế nào về việc IATA lựa chọn Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng là hãng hàng không chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị An toàn và Khai thác thế giới năm 2023?
Ông Đinh Việt Thắng: Việc IATA lựa chọn Việt Nam để đăng cai một Hội nghị toàn cầu về An toàn và Khai thác cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, nổi bật cũng như hội nhập quốc tế hoàn toàn của ngành hàng không Việt Nam, khẳng định chính sách, thể chế, chiến lược, giải pháp xây dựng, phát triển ngành hàng không cũng như việc thiết lập và triển khai chương trình an toàn quốc gia, hệ thống quản lý an toàn đã được thực hiện liên tục, đồng bộ và có hiệu quả cao.
Hiện tại, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways là thành viên của IATA. Vietnam Airlines gia nhập IATA sớm nhất vào năm 2007 luôn là một trong những đơn vị có chỉ số đảm bảo an toàn hàng không hàng đầu của Việt Nam. Là hãng hàng không mang sứ mệnh của hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines luôn tiên phong trong công tác đảm bảo an toàn hàng không, thiết lập và triển khai hệ thống quản lý an toàn, áp dụng công nghệ mới, thiết lập nhiều thành tích an toàn như năm 2015 trở thành hãng hàng không đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương cùng lúc tiếp nhận và khai thác an toàn 2 loại tàu bay hiện đại nhất thế giới là Airbus A350 và Boeing 787-9 Dreamliner; duy trì chứng chỉ an toàn khai thác IOSA lần thứ 10 liên tục vào tháng 07/2022.
Cá nhân tôi luôn theo sát các hoạt động, công tác đảm bảo an toàn của Vietnam Airlines và tôi thực sự đồng tình với lựa chọn của IATA khi Vietnam Airlines là hãng hàng không chủ nhà, đăng cai hội nghị quan trọng này…/.
(baogiaothong.vn)
ISAGO (IATA Safety Audit for Ground Operations) là Bộ tiêu chuẩn an toàn trong lĩnh vực khai thác mặt đất của IATA.
(vatm.vn)- CANSO mới đây đã công bố các ứng cử viên trong Danh sách ngắn cho Giải thưởng Thành tựu An toàn toàn cầu 2024 (CANSO Global Safety Achievement Award 2024).
(CANSO) - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan mới đây đã ký một Biên bản ghi nhớ (MOU) để triển khai sáng kiến chia sẻ dữ liệu an toàn và thông tin an toàn hàng không khu vực với mục tiêu nâng cao an toàn hàng không khi mà lưu lượng bay đã phục hồi hoàn toàn kể từ Đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí.