Giới thiệu chung về Cục Hàng không Việt Nam

Thứ Hai, 06/07/2015 - 15:48 GMT+7

Vị trí và chức năng

1. Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước; là Nhà chức trách hàng không theo quy định của pháp luật.

2. Cục Hàng không Việt Nam có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, có tài khoản riêng theo quy định của pháp luật và trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án quốc gia, các đề án phát triển thuộc ngành hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước.

2. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hàng không dân dụng.

3. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hàng không dân dụng; ban hành tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành hàng không dân dụng, tiêu chuẩn nhân viên hàng không.

4. Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành; quy định việc áp dụng cụ thể tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quy chế khai thác, tài liệu nghiệp vụ phù hợp với pháp luật về hàng không dân dụng; công bố, phát hành trong nước và quốc tế các thông tin, thông báo liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng.

5. Tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về hàng không.

6. Ban hành chỉ thị, huấn lệnh, thực hiện các biện pháp khẩn cấp bao gồm cả việc đình chỉ chuyến bay và hoạt động của phương tiện, thiết bị, nhân viên hàng không để bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và duy trì hoạt động đồng bộ của dây chuyền vận chuyển hàng không; tổ chức hệ thống giám sát, quản lý an ninh, an toàn, cung cấp dịch vụ hàng không, tìm kiếm cứu nạn, khẩn nguy sân bay; bổ nhiệm giám sát viên để thực hiện chức năng giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

7. Tổng hợp, phân tích và đánh giá báo cáo sự cố, tai nạn tàu bay; kiểm tra, giám sát việc khắc phục sự cố, tai nạn tàu bay và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn tàu bay; điều tra sự cố, tai nạn tàu bay theo phân công của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

8. Về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ:

a. Là đầu mối tiếp nhận, triển khai nhiệm vụ bảo đảm chuyến bay chuyên cơ trong ngành hàng không dân dụng;

b. Giám sát việc tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không đối với chuyến bay chuyên cơ theo quy định của pháp luật;

c. Cấp phép bay cho chuyến bay chuyên cơ theo quy định của pháp luật.

9. Về quản lý cảng hàng không, sân bay:

a. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay quốc tế, quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay nội địa để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b. Ban hành quy trình làm thủ tục đối với hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư tại cảng hàng không, sân bay trên cơ sở thống nhất với các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan.

đ. Quản lý việc sử dụng, khai thác đất cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan có thẩm quyền quản lý khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay; chỉ đạo việc cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay;

e. Cấp, cấp lại, bổ sung, sửa đổi, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay, Giấy phép kinh doanh cảng hàng không, sân bay, Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay và Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

g. Kiểm tra, giám sát việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa công trình, lắp đặt hệ thống kỹ thuật, thiết bị tại cảng hàng không, sân bay;

h. Cấp, công nhận hiệu lực, gia hạn, thu hồi, hủy bỏ hoặc đình chỉ sử dụng giấy phép hoạt động của hệ thống kỹ thuật, thiết bị khai thác tại cảng hàng không, sân bay theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

i. Điều phối giờ hạ, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay.

10. Về quản lý vận chuyển hàng không:

a. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy hoạch phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam ; tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển thị trường vận tải hàng không;

b. Thẩm định hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại, điều chỉnh, sửa đổi và đề nghị thu hồi Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không;

c. Cấp, cấp lại, điều chỉnh, sửa đổi, thu hồi Giấy phép kinh doanh hàng không chung và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung;

d. Cấp, thu hồi Giấy phép mở văn phòng đại diện, chi nhánh, văn phòng bán vé cho hãng hàng không nước ngoài; cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chỉ định đại lý bán vé, Giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

d. Ban hành quy tắc vận chuyển hàng không, kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không; tổ chức đăng ký Điều lệ vận chuyển của các hãng hàng không.

e. Tổ chức cấp, thu hồi, điều chỉnh quyền khai thác vận chuyển hàng không; phê duyệt các hợp đồng hợp tác liên quan đến quyền vận chuyển hàng không; chấp thuận việc thuê, cho thuê tàu bay giữa tổ chức cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài; trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ định hãng hàng không Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước khai thác đường bay đến các vùng có nhu cầu thiết yếu về vận chuyển hàng không công cộng;

g. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh vận chuyển hàng không.

11. Về tàu bay và quản lý khai thác tàu bay:

a. Tổ chức việc đăng ký quốc tịch tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay;

b. Ban hành hoặc thừa nhận tiêu chuẩn áp dụng đối với tàu bay, trang bị, thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay;

c. Hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, khai thác, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, trang bị, thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay;

d. Cấp, gia hạn, công nhận, thu hồi, đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận loại cho tàu bay, động cơ và cánh quạt tàu bay; phê chuẩn trang bị, thiết bị lắp trêu tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay;

đ. Cấp, gia hạn, công nhận, thu hồi, đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay, Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của tàu bay và các chứng chỉ, giấy phép khai thác liên quan đến đủ điều kiện bay của tàu bay, điều kiện khai thác tàu bay;

e. Cấp, gia hạn, thu hồi, đình chỉ hiệu lực Giấy phép hoạt động của cơ sở thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ, cánh quạt tàu bay, trang bị, thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay;

g. Phê chuẩn, chấp thuận cơ sở bảo dưỡng và chương trình bảo dưỡng tàu bay, động cơ, cánh quạt và trang bị, thiết bị trên tàu bay.

12. Về quản lý hoạt động bay:

a. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phương án thiết lập, điều chỉnh, hủy bỏ, công bố đường hàng không, vùng trời sân bay dân dụng, sân bay dùng chung để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phương án thiết lập, điều chỉnh khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định;

c. Thẩm định đề án thành lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

d. Quản lý việc tổ chức khai thác đường hàng không, vùng trời sân bay dân dụng, khu vực bay hoạt động hàng không chung trong vùng trời Việt Nam, vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;

đ. Thiết lập, điều chỉnh, hủy bỏ, công bố khu vực trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; công bố hoặc thông báo khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, khu vực nguy hiểm, khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa dành cho tàu bay dân dụng;

e. Ban hành quy chế bay, phương thức bay cho hoạt động bay dân dụng, danh mục sân bay dự bị phục vụ cho hoạt động bay dân dụng trong nước và quốc tế, các tài liệu hướng dẫn liên quan đến quản lý hoạt động bay;

g. Cấp phép bay cho hoạt động bay dân dụng theo quy định pháp luật;

h. Cấp Giấy phép khai thác cho hệ thống kỹ thuật, thiết bị bảo đảm hoạt động bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; giao nhiệm vụ, ký kết hợp đồng và kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ bay hiệu chuẩn theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

i. Quản lý chướng ngại vật hàng không theo quy định của pháp luật; công bố bề mặt giới hạn chướng ngại vật và danh mục chướng ngại vật tự nhiên, nhân tạo có thể ảnh hưởng đến an toàn của hoạt động bay;

k. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng và cơ quan có liên quan khác trong việc tổ chức sử dụng vùng trời, quy chế bay khu vực sân bay dùng chung của cảng hàng không quốc tế, lập kế hoạch bay, điều hành bay, quản lý hoạt động bay đặc biệt, tìm kiếm cứu nạn, sử dụng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng và quân sự.

l. Phối hợp với cơ quan nhà nước có liên quan trong việc quản lý, sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ hàng không.

13. Về bảo vệ môi trường:

a. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy tắc về bảo vệ môi trường đối với hoạt động hàng không dân dụng;

b. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng.

14. Về tìm kiếm cứu nạn và phòng chống lụt bão:

a. Là đầu mối tham gia Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn; tham gia Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Giao thông vận tải; chỉ đạo, tổ chức hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không, khẩn nguy sân bay, phòng chống lụt, bão;

b. Phân định khu vực trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn hàng không và khẩn nguy sân bay của các đơn vị thuộc ngành hàng không dân dụng;

c. Phê duyệt kế hoạch tìm kiếm cứu nạn, khẩn nguy sân bay, kế hoạch đào tạo, huấn luyện, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, khẩn nguy sân bay và chỉ đạo thực hiện.

15. Về an ninh hàng không:

a. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Chương trình an ninh hàng không dân dụng, Chương trình kiểm soát chất lượng an ninh hàng không dân dụng, Chương trình đào tạo huấn luyện an ninh hàng không dân dụng, quy định về giấy tờ của hành khách khi đi tàu bay; hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện;

b. Trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Chương trình an ninh hàng không dân dụng của người khai thác cảng hàng không, sân bay và hãng hàng không Việt Nam; chấp thuận Chương trình an ninh hàng không dân dụng của hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

c. Phê duyệt Quy chế an ninh của các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; là cơ quan thường trực, điều phối công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng theo phân công của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

d. Ban hành hoặc thừa nhận tiêu chuẩn áp dụng đối với hệ thống kỹ thuật, thiết bị bảo đảm an ninh hàng không; danh mục các vật phẩm nguy hiểm hạn chế mang theo người và hành lý lên tàu bay; quản lý việc cấp thẻ, giấy phép và mẫu thẻ, mẫu giấy phép kiểm soát an ninh hàng không;

đ. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật về an ninh hàng không đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động hàng không dân dụng;

e. Tổ chức lực lượng an ninh hàng không, lực lượng tham gia ứng phó ban đầu với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng;

g. Cấp, gia hạn, đình chỉ hiệu lực Giấy phép khai thác trang thiết bị an ninh hàng không, Giấy phép cung cấp dịch vụ an ninh hàng không theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

16. Về nhân viên hàng không:

a. Kiểm tra, giám định và thực hiện việc cấp, công nhận, thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận năng định đối với nhân viên hàng không; thẩm định, đánh giá, công nhận kết quả kiểm tra, giám định việc đáp ứng tiêu chuẩn nhân viên hàng không theo quy định của pháp luật;

b. Kiểm tra cấp, công nhận, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không đối với cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không; kiểm tra, kiểm soát việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không theo quy định của pháp luật;

c. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.

17. Về quản lý dự án đầu tư trong lĩnh vực hàng không:

a. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

b. Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền đối với dự án BT, BOT, BOO về hàng không dân dụng theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

18. Về giá, cước, phí, lệ phí:

a. Tham gia xây dựng, hướng dẫn việc xác định khung giá, cước dịch vụ hàng không, giá các hoạt động dịch vụ khác có liên quan đến lĩnh vực hàng không và đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực hàng không do nhà nước quy định;

b. Chủ trì đề xuất mức phí, lệ phí chuyên ngành hàng không và đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực hàng không do nhà nước quy định để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định;

c. Tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về phí, lệ phí, giá, cước dịch vụ hàng không và đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực hàng không.

19. Về hợp tác quốc tế:

a. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế về hàng không;

b. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đề xuất việc ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế về hàng không.

c. Tham gia đàm phán điều ước quốc tế theo ủy quyền, phân cấp; tổ chức đàm phán, ký kết thỏa thuận, chương trình hợp tác quốc tế theo quy định;

d. Tổ chức thực hiện, áp dụng điều ước quốc tế, quy định, nghị quyết, tiêu chuẩn, khuyến cáo thực hành, hướng dẫn của các tổ chức hàng không quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên;

đ. Là đầu mối quan hệ với Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, nhà chức trách hàng không nước ngoài, các tổ chức, diễn đàn hàng không quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.

20. Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hàng không dân dụng; xây dựng, triển khai chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, dịch vụ thông tin phục vụ công tác quản lý và khai thác trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

21. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và bảo đảm việc chấp hành quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền; tham gia xử lý tranh chấp về hàng không dân dụng.

22. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Cục theo mục tiêu và nội dung Chương trình cải cách hành chính nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.

23. Về tổ chức, biên chế, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động:

a. Quản lý bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; sử dụng biên chế được duyệt theo quy định; thực hiện chế độ tiền lương và chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Cục;

b. Thành lập hoặc thuê tổ chức, tuyển dụng hoặc thuê nhân viên kỹ thuật thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, khuyến cáo liên quan đến việc cấp phép, cấp giấy chứng nhận, thực hiện chức năng giám sát và bảo đảm an toàn hàng không.

24. Cục Hàng không Việt Nam được sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, từ nguồn thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật, được áp dụng cơ chế tài chính có tính đến yếu tố đặc thù của ngành hàng không Việt Nam; quản lý tài chính, tài sản được giao.

25. Được trực tiếp quan hệ với các cơ quan nhà nước có liên quan để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật.

26. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website