Nghị định lần này đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thủ tục hồ sơ đề nghị đăng ký quốc tịch tàu bay, xóa đăng ký quốc tịch tàu bay, đăng ký các quyền đối với tàu bay, xóa đăng ký các quyền đối với tàu bay, đăng ký quyền sở hữu, quyền chiếm hữu tàu bay, đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay và cung cấp các thông tin về cầm cố, thế chấp tàu bay quy định tại các Điều 3, Điều 5, Điều 7, Điều 9, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 18, Điều 23, Điều 27 của Nghị định 70/2007/NĐ-CP.
Theo đó, hồ sơ đề nghị đăng ký quốc tịch tàu bay gồm: Đơn đề nghị đăng ký quốc tịch tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định 50/2012/NĐ-CP; Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký tàu bay; Giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu bay; Giấy chứng nhận chưa có đăng ký do quốc gia nhà chế tạo cấp hoặc giấy chứng nhận đã xóa đăng ký do quốc gia đăng ký cấp; Tài liệu về tình trạng kỹ thuật của tàu bay (giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu còn hiệu lực đối với tàu bay được sản xuất tại nước ngoài, giấy chứng nhận loại do Cục HKVN cấp hoặc công nhận, văn bản xác nhận của nhà chế tạo về tuân thủ các điều kiện thiết kế chế tạo còn hiệu lực) và Hợp đồng mua tàu bay hoặc thuê mua tàu bay.
Đối với hồ sơ đề nghị đăng ký tạm thời quốc tịch tàu bay đối với tàu bay quy định tại Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 gồm: Đơn đề nghị đăng ký tạm thời quốc tịch theo mẫu quy định tại Phục lục III của Nghị định 50/2012/NĐ- CP; Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký tàu bay; Giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu bay; Giấy tờ hợp pháp chứng minh việc tàu bay đang trong giai đoạn chế tạo, lắp ráp hoặc thử nghiệm tại Việt Nam và Hồ sơ thiết kế tàu bay.
Đối với trường hợp xóa đăng ký quốc tich tàu bay theo đề nghị của người đăng ký tàu bay thì người đề nghị phải trực tiếp gửi đơn đề nghị xóa đăng ký đến Cục HKVN hoặc nộp qua hệ thống bưu điện theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Nghị định 50/2012/NĐ-CP.
Đối với hồ sơ đề nghị xóa đăng ký các quyền đối với tàu bay được gửi đến Cục HKVN gồm: Đơn đề nghị xóa đăng ký các quyền đối với tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Nghị định 50/2012/NĐ-CP; Giấy chứng nhận đăng ký đã được cấp; Hợp đồng mua tàu bay hoặc thuê mua tàu bay; Văn bản đồng ý của bên nhận bảo đảm trong trường hợp người đề nghị xóa là bên bảo đảm.
Đối với hồ sơ đề nghị đăng ký quyền sở hữu, quyền chiếm hữu tàu bay, Nghị định lần này đã sửa đổi toàn bộ nội dung Điều 15 và Điều 16- Nghị định 70/2007/NĐ-CP. Hồ sơ đề nghị đăng ký quyền sở hữu bao gồm: Đơn đề nghị đăng ký quyền sở hữu tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Nghị định 50/2012/NĐ-CP; Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay Việt Nam; Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký và Giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu tàu bay. Trường hợp chuyển quyền sở hữu phải có thêm giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của chủ sở hữu cũ.
Đối với hồ sơ đề nghị đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay gồm: Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Nghị định 50/2012/NĐ-CP; Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay Việt Nam; Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký và bản sao có chứng thực hợp đồng thuê tàu bay hoặc thuê mua tàu bay.
Việc đăng ký cầm cố thế chấp tàu bay và cung cấp thông tin được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Người đề nghị phải gửi 01 bộ hồ sơ đến Cục HKVN bằng cách nộp trực tiếp tại Cục HKVN hoặc qua hệ thống bưu điện và phải chịu trách nhiệm về sự chính xác của thông tin trong hồ sơ. Trừ đơn đề nghị phải là bản gốc, các tài liệu khác bằng trong hồ sơ đề nghị là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt Nam và phải chứng thực theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2012./.