Quy hoạch phát triển GTVT hàng không trong lĩnh vực quản lý, bảo đảm hoạt động bay, doanh nghiệp, nguồn nhân lực, công nghiệp, bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030

Thứ Năm, 01/03/2018 - 10:14 GMT+7

Các nội dung trên đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ban hành tại Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, trong lĩnh vực quản lý, bảo đảm hoạt động bay, đến năm 2020 thiết lập hệ thống quản lý và bảo đảm hoạt động bay đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO và phù hợp với kế hoạch không vận khu vực; triển khai thực hiện kế hoạch các hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) mới, giai đoạn ban đầu (Block 0) và một phần giai đoạn 1 (Block 1) của Chương trình nâng cấp các khối hệ thống hàng không (ASBU), trong đó có xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng vùng trời linh hoạt cho hàng không dân dụng và quân sự.

 Đến năm 2030, tiếp tục đầu tư để duy trì năng lực nâng cao độ tin cậy và hiện đại hóa cơ sở vật chất  - kỹ thuật điều hành bay ở mức độ hàng đầu trong khu vực châu Á, tiếp tục triển khai giai đoạn 1 (Block 1), giai đoạn 2 (Block 2) và một phần của giai đoạn 3 (Block 3) của Chương trình ASBU.

Đối với doanh nghiệp hàng không, đến năm 2020, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực hàng không theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến năm 2030, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo các chương trình, kế hoạch của Chính phủ; tiếp tục phát triển doanh nghiệp hàng không, hàng không chung đáp ứng nhu cầu của thị trường, điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và phù hợp với năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không, phát triển hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa. Phát triển doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu phát  triển như chế tạo vật tư, phụ tùng, cấu kiện tàu bay thương mại, lắp ráp và chế tạo máy bay nhỏ, linh kiện trang thiết bị hàng không.



Đối với nguồn nhân lực cơ sở đào tạo, đến năm 2020 tiếp tục tăng năng suất lao động, duy trì tăng trưởng lao động ở mức thấp hơn tăng trưởng sản lượng. Xây dựng đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không, an ninh hàng không đủ về số lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của ICAO.

Xây dựng đội ngũ chuyên gia chuyên ngành bậc cao có năng lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ kỹ thuật hướng tới nền công nghiệp 4.0; xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không. Xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo, huấn luyện về hàng không tương thích với trình độ đào tạo quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế, khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư các cơ sở đào tạo chuyên ngành; phát triển các trung tâm đào tạo và huấn luyện bay tại một số cảng hàng không có điều kiện; thiết lập trung tâm đào tạo phi công cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn của trung tâm đào tạo ở cả 3 cấp.

Đến năm 2030, phát triển đội ngũ chuyên gia chuyên ngành bậc cao có năng lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp 4.0.

Về công nghiệp hàng không, đến năm 2020 tập trung phát triển hệ thống bảo dưỡng tàu bay, thiết bị tàu bay làm nòng cốt cho việc phát triển công nghiệp hàng không; phát triển sản xuất các thiết bị kỹ thuật công nghệ cao như công nghệ thông tin, tự động, điều khiển kết hợp các sản phẩm cơ khí chế tạo; thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất các trang thiết bị  kỹ thuật hàng không, sản xuất được một số cấu kiện nội thất trên tàu bay. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, quản lý bay, cảng hàng không đảm bảo nền công nghệ kỹ thuật hàng không đạt trình độ tiên tiến của khu vực.

Đến năm 2030, hình thành các trung tâm có tầm cỡ khu vực về bảo dưỡng, đại tu động cơ và thiết bị hàng không. Khuyến khích hợp tác, liên doanh, thực hiện gia công và sản xuất các cấu kiện, vật tư- phụ tùng tàu bay tại Việt Nam. Từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp hàng không toàn cầu.

Về bảo vệ môi trường, đến năm 2020 triển khai các quy định của ICAO, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong ngành hàng không; lâp bản đồ tiếng ồn của một số cảng hàng không nằm gần các thành phố hoặc khu dân cư đông đúc; xây dựng chính sách quản lý tiếng ồn tại cảng hàng không; xây dựng các tiêu chí cảng hàng không sinh thái (Eco -Airport) tại các cảng hàng không quốc tế.

Đến năm 2030, tiếp tục triển khai kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong ngành hàng không; triển khai áp dụng các tiêu chuẩn cảng hàng không sinh thái (Eco -Airport) tại các cảng hàng không quốc tế./.

(Ban Biên tập)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website