Theo quy định, có 14 chức danh nhân viên hàng không bao gồm: Thành viên tổ lái; Giáo viên huấn luyện bay; Tiếp viên hàng không; Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; Nhân viên không lưu; Nhân viên thông báo tin tức hàng không; Nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không; Nhân viên khí tượng hàng không; Nhân viên điều độ, khai thác bay; Nhân viên thiết kế phương thức bay hàng không dân dụng; Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không; Nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; Nhân viên an ninh hàng không và Nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.
Nhiệm vụ của từng chức danh, Tiêu chuẩn nhân viên hàng không, Chứng chỉ chuyên môn nhân viên hàng không, Giấy phép nhân viên hàng không được quy định cụ thể tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Thông tư.
Đối với các Hồ sơ đề nghị cấp, công nhận giấy phép nhân viên hàng không; Thủ tục cấp lại giấy phép nhân viên hàng không; Thời hạn và giá trị hiệu lực của giấy phép nhân viên hàng không; Năng định, thời hạn hiệu lực của năng định nhân viên hàng không; Thủ tục cấp lại, bổ sung, phục hồi năng định nhân viên hàng không; Thủ tục cấp lại, bổ sung, phục hồi năng định nhân viên hàng không được quy định cụ thể từ Điều 8 đến Điều 13 của Thông tư .
Đối với cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không, các yêu cầu chung được quy định tại Thông tư: phải có tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý và hệ thống văn bản quản lý đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phù hợp. Các phòng học, trang bị, thiết bị, cơ sở thực hành phù hợp với mục đích, nội dung đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu theo quy định. Đội ngũ giáo viên phù hợp với chuyên ngành đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu theo quy định. Các chương trình đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phù hợp đáp ứng yêu cầu. Có giáo trình, tài liệu giảng dạy phù hợp với chương trình đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, pháp luật về giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Về trình độ tiếng Anh của nhân viên hàng không, yêucầu các nhân viên hàng không sử dụng thiết bị liên lạc và liên lạc vô tuyến khi thực hiện nhiệm vụ phải đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu mức 4 theo thang đánh giá của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), bao gồm: Thành viên tổ lái; Nhân viên không lưu thực hiện nhiệm vụ tại các vị trí: huấn luyện viên không lưu; kiểm soát mặt đất tại sân bay; kiểm soát tại sân bay; kiểm soát tiếp cận không ra đa; kiểm soát tiếp cận ra đa; kiểm soát đường dài không ra đa; kiểm soát đường dài ra đa; kíp trưởng không lưu; Nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không thực hiện nhiệm vụ khai thác thiết bị thông tin sóng ngắn không - địa (HF A/G).
Các nội dung về thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không (Điều 21); Cấp lại, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không (Điều 22); Công nhận cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không nước ngoài (Điều 23) ;Thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không (Điều 24) được quy định cụ thể trong Thông tư.
Ngoài ra, Thông tư cũng đề cập đến yêu cầu đối với cơ sở đủ điều kiện đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không; Giấy chứng nhận, thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không; Thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không; Cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không; Công nhận cơ sở đủ điều kiện đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không; Thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của nhân viên hàng không bảo đảm duy trì tiêu chuẩn nhân viên hàng không; kiểm tra, giám sát việc duy trì đủ điều kiện của cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, có thể kiểm tra đột xuất trong trường hợp phát hiện cơ sở được cấp giấy chứng nhận có dấu hiệu vi phạm các quy định của Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 04/02/2012 và thay thế Quyết định số 19/2007/QĐ-BGTVT ngày 04/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về nhân viên hàng không và cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và Thông tư số 11/2011/TT-BGTVT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 19/2007/QĐ-BGTVT ngày 04/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về nhân viên hàng không và cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không ./.