Quy định thanh tra về tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức

Thứ Hai, 04/02/2013 - 17:24 GMT+7

 Ngày 10/12/2012, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BNV quy định quy trình, nội dung thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.

Theo đó, Thông tư quy định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra (bao gồm: chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra, kết thúc thanh tra) và nội dung thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ có thẩm quyền ký quyết định thanh tra và chỉ đạo ban hành quyết định thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức trong thời hạn quy định của pháp luật.

Quy trình thanh tra bao gồm 3 bước: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành và kết thúc thanh tra. Trước khi đưa ra quyết định thanh tra, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ căn cứ vào yêu cầu của cuộc thanh tra để quyết định việc khảo sát, nắm tình hình đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra, sau đó căn cứ báo cáo kết quả khảo sát, nắm tình hình (nếu có) và chương trình kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt để quyết định thanh tra.

Người ra quyết định thanh tra ban hành kết luận thanh tra trong thời gian chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra; có trách nhiệm tổ chức việc công bố kết quả thanh tra.

Nội dung thanh tra về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức được quy định cụ thể từ Điều 20 đến Điều  33 của Thông tư, bao gồm các nội dung: Thanh tra về thi tuyển công chức; Thanh tra việc chuyển ngạch, nâng ngạch và tiêu chuẩn ngạch công chức; Thanh tra công tác điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức; Thanh tra công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Thanh tra việc từ chức, miễn nhiệm của công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Thanh tra công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức; Thanh tra về chính sách tiền lương và chế độ, chính sách đãi ngộ khác đối với công chức; Thanh tra đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức, việc thực hiện quy định về những việc công chức không được làm; Thanh tra việc đánh giá, xếp loại công chức, thanh tra việc khen thưởng, kỷ luật công chức; Thanh tra việc giải quyết thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức; Thanh tra việc quản lý hồ sơ công chức, thanh tra việc giải quyết thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.

Đáng chú ý, Thông tư đã quy định rất cụ thể nội dung Thanh tra đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức; việc thực hiện quy định về những việc công chức không được làm.

Thanh tra đạo đức công vụ của công chức biểu hiện ở việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ của công chức thông qua đánh giá công chức hàng năm, đánh giá công chức trong các trường hợp khác, thông qua các biên bản họp của cơ quan, đơn vị, tổ chức có những ý kiến nhận xét về đạo đức của công chức; Thanh tra văn hóa giao tiếp của công chức ở công sở (tinh thần, thái độ, ngôn ngữ giao tiếp đối với đồng nghiệp; việc đeo phù hiệu hoặc thẻ công chức) và thanh tra những việc công chức không được làm, bao gồm: Những việc công chức không được làm làm liên quan đến đạo đức công vụ (; Những việc công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước ; Những việc khác công chức không được làm (làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền)…

Thông tư  có hiệu lực từ ngày 01/02/2013./.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website