Đề án được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về Giao thông vận tải, trong đó có An toàn giao thông từ năm 2008 đến năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải, thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện hàng năm Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ và kết quả một phần Đề tài khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu lựa chọn các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải ở Việt Nam” do Vụ Pháp chế và Trường Quản lý cán bộ GTVT đang thực hiện. Đồng thời, Đề án cũng được xây dựng dựa trên kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có liên quan như UBATGTQG, các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, một số trường thuộc Bộ GTVT.
Đề án đã nêu thực trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông trong các lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, hàng hải và hàng không. Đây chính là căn cứ để đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác PBGDPL về ATGT của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2012-2016 ... với các nguyên tắc chỉ đạo đạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTPBGDPL về ATGT trong giai đoạn này.
Hàng không dân dụng là lĩnh vực giao thông đặc thù, trong đó công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không được đặt lên hàng đầu. So sánh chỉ số an toàn của Hàng không Việt Nam với quốc tế cho thấy tình trạng đảm bảo an toàn hàng không của Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2010 đạt được các chỉ số an toàn cao hơn mức trung bình của thế giới. Việt Nam đạt 14 năm liên tục không để xảy ra tai nạn tàu bay gây thiệt hại về người và tài sản (trích Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không năm 2011 của Cục HKVN).
Đông đảo đối tượng khi được tuyên truyền, phổ biến pháp luật đều tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật nhưng một bộ phận nhỏ đối tượng vẫn còn thiếu ý thức, cố tình vi phạm các quy định như: gây mất an ninh, trật tự trên tàu bay; tung tin, cung cấp thông tin sai về có bom, mìn trên tàu bay; mở cửa thoát hiểm trên tàu bay bay; hút thuốc trên tàu bay, mang vật phẩm cấm lên tàu bay, xâm phạm độ cao an toàn tĩnh không... Tuy tai nạn hàng không không xảy ra nhưng các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hàng không vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân bắt nguồn từ chính ý thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành và đối tượng hành khách đi tàu cũng như đông đảo bộ phận người dân sinh sống tại các khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay. Số liệu thống kê cho thấy tổng số vi phạm từ năm 2008 là 55 vụ, năm 2009 là 62 vụ, năm 2010 là 145 vụ và năm 2011 là 157 vụ.
Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông vận tải, Đề án đã đưa ra 08 giải pháp: Củng cố và hoàn thiện cơ cấu tổ chức và thể chế;Tập trung phát triển các nguồn lực bao gồm nhân lực và tài chính; Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT; Xã hội hóa công tác TTPBGDPL về ATGT; Tăng cường xử phạt, cưỡng chế; Sớm bổ sung môn học (tiết học) về các quy tắc, quy định ATGT đường bộ vào Chương trình giảng dạy của các trường phổ thông,chuyên nghiệp; Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; Xây dựng và thống nhất cơ chế phối hợp hiệu quả trong công tác tuyên truyền PBGDPL về ATGT giữa các cơ quan thuộc Bộ cũng như giữa Bộ GTVT với UB ATGTQG, các bộ, ngành cũng như các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng cưỡng chế, xử phạt, với cơ quan xây dựng văn bản pháp luật, TTPBGD pháp luật về an toàn giao thông.
Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế, cơ quan thường trực của Hội đồng PHCTPBGDPL của Bộ GTVT, chủ trì, phối hợp với một số thành viên Hội đồng là lãnh đạo Văn phòng Bộ, lãnh đạo các Vụ: Tài chính, ATGT, TCCB; lãnh đạo các Tổng cục, Cục của Bộ GTVT, hiệu trưởng các Trường cán bộ quản lý GTVT, Đại học Công nghệ GTVT phối hợp với Văn phòng của UBATGTQG tổ chức thực hiện Đề án này bằng các giải pháp đã nêu trong Đề án kèm theo Chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTPBGDPL về ATGT giai đoạn 2012-2016 (nêu tại Phụ lục I của Đề án).
Các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ căn cứ vào các giải pháp nêu tại Đề án này để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nội dung nêu tại Phụ lục I kèm theo Đề án này trình Bộ (qua Vụ Pháp chế). Các kế hoạch bao gồm các nội dung, tiến độ cụ thể và dự kiến kinh phí thực hiện.
Việc thực hiện Đề án bắt đầu từ quý II năm 2012 và kết thúc vào cuối năm 2016. Kinh phí thực hiện Đề án (đối với những nội dung, hạng mục của Chương trình do các cơ quan đơn vị thuộc Bộ thực hiện) từ nguồn kinh phí an toàn giao thông do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cấp.
Ngoài kinh phí bố trí thực hiện Đề án này từ nguồn kinh phí Bộ Giao thông vận tải được cấp, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ khi thực hiện Chương trình của Đề án này chủ động thực hiện các biện pháp khuyến khích, huy động sự đóng góp kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đề thực hiện Đề án.
Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật.
Định kỳ 6 tháng và 1 năm, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án báo cáo kết quả thực hiện về Bộ (qua Vụ Pháp chế) tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Bộ trưởng ./.