Theo đó, nguyên tắc khen thưởng là thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng cá nhân là người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu (công nhân, nông dân, chiến sĩ) và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác.
Khi xét khen thưởng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo.
Đối với nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng có quá trình cống hiến được giảm 3 năm so với quy định chung.
Đối với khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ và tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng.
Thời gian để đề nghị khen thưởng cho lần tiếp theo được tính từ khi có quyết định khen thưởng lần trước.
Đối với danh hiệu “chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu nhất được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.
Đối với danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho các cá nhân là “lao động tiên tiến” hoặc “chiến sĩ tiên tiến”; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp quản lý, tác nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu áp dụng.
Đối với danh hiệu “Lao động tiến tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” được xét tặng cho các cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.
Cũng theo Nghị định, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được bình xét trong các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương hoặc các bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương phát động khi tiến hành sơ kết, tổng kết 3 năm trở lên; lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất có phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương; đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương, 5 năm tiếp theo liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 5 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở hoặc mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được 5 lần tặng giấy khen trở lên.
Nghị định cũng quy định cụ thể việc xét tặng các danh hiệu thi đua như: Cờ thi đua của Chính phủ; Huân chương sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương độc lập; Huân chương Quân công; Huân chương lao động; Huân chương bảo vệ Tổ quốc; Huy chương chiến sĩ vẻ vang; Huy chương Hữu nghị…
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2014. Bãi bỏ các Điều 4, Điều 12, Điều 13,Điều 15; khoản 2- Điều 16; khoản 3,4,5- Điều 20; khoản 2,3- Điều 21; từ Điều 22 đến Điều 33; Điều 41; Điều 49 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua,khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi dua, khen thưởng./.