Nghị định gồm 5 chương, 27 điều quy định chi tiết một số Điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại Nghị định này được áp dụng đối với các đối tượng người lao động Việt Nam; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người học nghề, tập nghề làm việc cho người sử dụng lao động; doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình; cá nhân có liên quan.
Nội dung về thời giờ làm việc được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương quy định tại Điều 3 gồm: Nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ giải lao theo tính chất công việc; nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động do nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người; thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi; nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh; thời giờ phải ngừng không do lỗi của người lao động; thời giờ học tập, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; thời giờ hội họp, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý; thời giờ hội họp, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập cán bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
Đối với nội dung làm thêm giờ, Nghị định đã quy định rõ: số giờ làm thêm trong ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày. Khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày. Khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần cũng không được quá 12 giờ trong 01 ngày.
Đối với thời gian nghỉ bù, Nghị định quy định sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ phép. Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động.
Đối với thời gian nghỉ Tết âm lịch do người sử dụng lao động lựa chọn 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm âm lịch hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch.
Việc sử dụng người lao động cao tuổi làm công việc năng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện: người lao động có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên, được cấp giấy chứng nhận hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật; người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành đối với nghề, công việc; sử dụng có thời điểm, không quá 05 năm đối với từng người lao động; hàng năm phải khám sức khỏe định kỳ ít nhất là 02 lần và có ít nhất 01 người lao động không phải là cao tuổi cùng làm việc.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể, chi tiết các nội dung liên quan về an toàn, vệ sinh lao động; lập phương án đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kiểm soát yếu tố độc hại, nguy hiểm; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động….
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Các văn bản sau hết hiệu lực thi hành kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực (từ ngày 01/7/2013):
-Nghị định số 195/NĐ-CP ngày 31/12/1994 của CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;
-Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 20/01/1995 của CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
-Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 195 CP ngày 31/12/1994 của CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;
-Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 20/01/1995 của CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Điều 2- Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 195 CP ngày 31/12/1994 của CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi./.