Ngày 26/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định lựa chọn nhà thầu qua mạng.
Theo đó, lựa chọn nhà thầu qua mạng được thực hiện đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và hỗn hợp có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp và chỉ định thầu.
Việc áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng thực hiện theo lộ trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định.
Nguyên tắc áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng là khi thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng, bên mời thầu, nhà thầu phải thực hiện đăng ký một lần trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Hệ thống mạng quốc gia phải công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin, hoạt động liên tục, thống nhất, ổn định, an toàn thông tin, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu, người sử dụng nhận biết được thời gian thực khi truy cập vào hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thực hiện được việc ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thời gian trên hệ thống là thời gian thực và là thời gian chuẩn trong đấu thầu qua mạng.
Bên mời thầu phát hành miễn phí hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Đối với mỗi gói thầu, nhà thầu chỉ nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất một lần trên hệ thống mạng đầu thầu quốc gia.
Bên mời thầu tiến hành mở thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau thời điểm đóng thầu. Trường hợp không có nhà thầu nộp hồ sơ, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu qua mạng; trường hợp có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ thi bên mời thầu mở thầu ngay mà không phải xử lý theo quy định. Khi tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đối tượng đăng ký sử dụng chứng thư số cần đăng ký với cơ quan vận hành hệ thống.
Các văn bản điện tử giao dịch qua hệ thống mạng đầu thầu quốc gia, các thông tin được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được coi là văn bản gốc, có giá trị pháp lý và có hiệu lực như văn bản bằng giấy, làm cơ sở phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân. Trường hợp có sự sai khác giữa văn bản điện tử đính kèm và nội dung điền trong mẫu thì văn bản điện tử đính kèm sẽ có giá trị pháp lý.
Theo Nghị định, chi phí trong lựa chọn nhà thầu qua mạng bao gồm: Chi phí tham gia hệ thống mạng đầu thầu quốc gia; chi phí nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; chi phí nhà trúng thầu; chi phí sử dụng hợp đồng điện tử và chi phí sử dụng hệ thống mua sắm điện tử...