Chiến lược phát triển Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030

Thứ Bảy, 24/05/2014 - 14:26 GMT+7

 Ngày 15/5, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1834/QĐ-BGTVT phê duyệt “Chiến lược phát triển Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

 
alt image
 
Theo đó, chiến lược xác định nền tảng cho sự phát triển của Tổng công ty đến năm 2030 thông qua ba trụ cột: Đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, kỹ thuật hiện đại; Đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực có chất lượng; Xây dựng mô hình quản lý Tổng công ty phù hợp với các quy định của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.  Đồng thời Chiến lược cũng chỉ rõ: “cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý, các hoạt động bay đi đến các cảng hàng không sân bay trong nước là hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi”.
Mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, Tổng công ty trở thành một trong những Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt đông bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á trên cả hai tiêu chí năng lực điều hành bay và chất lượng các dịch vụ; có hệ thống quản lý an toàn tin cậy; áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo thu nhập cho tập thể người lao động, đóng góp xứng đáng cho ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 năng lực điều hành bay của Tổng công ty đáp ứng được lưu lượng hoạt động bay từ tám trăm ngàn đến  một triệu chuyến bay (gấp đôi lưu lượng bay năm 2010); đến năm 2030, đạt từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu chuyến bay (gấp ba lần lưu lượng bay năm 2010), đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của ICAO và đảm bảo an toàn cho 100% chuyến bay hoạt động trong vùng trời trách nhiệm của Việt Nam.
Về quy mô doanh nghiệp, dự kiến đến năm 2020, Tổng công ty có vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng (hiện nay, Tổng công ty có vốn điều lệ là 2.552.746 triệu đồng), trong đó Công ty mẹ đóng vai trò thực hiện chức năng đầu tư tài chính, nắm giữ bí quyết công nghệ, chi phối về thị trường trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con với số lượng 2 -3 công ty con hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và công ty TNHH; hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp, có các đơn vị thành viên được phân cấp tự chủ phù hợp về sản xuất kinh doanh; là một trong những doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu Việt Nam có vị trí, thương hiệu, tầm cỡ khu vực với giá trị vốn hóa từ 350 -500 tỷ đồng.
Về hệ thống quản lý an toàn (SMS), đến năm 2020 hoàn thiện và phát triển hệ thống SMS trong lĩnh vực quản lý bay phù hợp với quy định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển của ngành hàng không và trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2030, hệ thống SMS đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng hàng không quốc tế và phấn đấu tương đương với các nước tiên tiến ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Về phát triển nguồn nhân lực, mục tiêu của Tổng công ty là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia có đầy đủ năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ tiến tiến của thế giới trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay; xây dựng đội ngũ nhân viên hàng không đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước và ICAO, có kỹ năng thành thạo, gắn bó, sẵn sàng công hiến xây dựng Tổng công ty.
Về phát triển sản xuất công nghiệp hàng không, phấn đấu đến năm 2020 doanh thu các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp hàng không ước đạt 100-120 tỷ đồng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm thay thế nhập ngoại và tiến tới xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hàng không.
Về kết cấu hạ tầng, hoàn thành đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quản lý bay theo Kế hoạch tổng thể phát triển Hệ thống thông tin dẫn đường , giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 2339/QĐ-BGTVT ngày 19/10/2011 của Bộ GTVT. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về quản lý hoạt động bay tại Quyết định số 2985/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2013 của Bộ GTVT phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông”.
Ngoài ra, tại Quyết định cũng cũng đề ra các giải pháp tổng thể, các giải pháp cụ thể theo từng nhóm chức năng về quản lý dịch vụ không lưu, về kỹ thuật công nghệ, về quản lý dịch vụ thông báo tin tức hàng không, về dịch vụ khí tượng, về tìm kiếm cứu nạn, về quản lý an toàn cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, về phát triển dịch vụ bay kiểm tra hiệu chuẩn, về quản lý tài chính vốn, về đầu tư phát triển, về quản trị doanh nghiệp, về phát triển nguồn nhân lực, về phát triển công nghiệp hàng không…
Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn Tổng công ty triển khai thực hiện các giải pháp về quản lý không lưu, kỹ thuật  -công nghệ, phát triển công nghiệp hàng không và phát triển nguồn nhân lực theo đúng các định hướng của các quy hoạch phát triển giao thông vận tải ngành hàng không đã được phê duyệt; kiểm tra tình hình thực hiện các giải pháp và báo cáo Bộ GTVT./.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website