Nếu máy bay này được đưa vào phục vụ, các hành khách đi từ London tới Tokyo chỉ mất 2 giờ và từ London tới New York chỉ mất có 1 giờ. Tuy nhiên, câu hỏi liệu có thể áp dụng công nghệ của máy bay quân sự sang máy bay dân dụng được hay không vẫn đang làm đau đầu các nhà khoa học. Thực chất, kế hoạch này đã từng được nói đến từ nhiều năm qua tuy nhiên chưa có thành tựu lớn lao nào đạt được bởi chi phí chế tạo quá đắt cũng như còn nhiều khó khăn trong kỹ thuật.
Do vậy, tuyên bố của Lockheed sẽ vượt qua trở ngại kỹ thuật khó khăn nhất đó là “khó khăn về lực đẩy” trong động cơ đẩy của máy bay - tức là làm thế nào để thu hẹp khoảng cách từ tốc độ thấp nhất đến tốc độ cao nhất đã khiến nhiều chuyên gia kỹ sư hàng không choáng ngợp. Lockheed tự tin rằng đã chế tạo được một loại động cơ có thể giải quyết được vấn đề này.
Thách thức tiếp theo đặt ra cho loại máy bay siêu thanh này là hệ thống thiết kế để bảo vệ hành khách không phải chịu sức nóng của máy bay khi bay với tốc độ cực nhanh trong bầu khí quyển. Và vấn đề tiếng ồn bởi với loại máy bay dân dụng siêu thanh với tốc độ Mach 6 bay ở độ cao của các máy bay phản lực hiện tại (cách mặt đất khoảng 9 km) có khả năng sẽ gây ra nổ siêu âm và làm hư hại các tòa nhà. Không những thế, độ an toàn cho hành khách khi tham gia chuyến bay với tốc độ 7.300 km/h bởi máy bay càng nhanh thì mức độ tai nạn nếu có xảy ra càng nghiêm trọng.
Giảng viên cao cấp về kỹ thuật hàng không tại Đại học Salford - Tiến sĩ Phillip Atcliffe đánh giá, “ đây là một bước tiến có ý nghĩa rất quan trọng” nhưng cũng cảnh báo “nếu có sai sót sẽ gây ra thảm họa còn cao hơn bình thường gấp nhiều lần”./.
(giaothongvantai.com.vn)