Kết quả nghiên cứu thiết kế phương thức bay và tổ chức vùng trời cụm sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất - Biên Hòa

Thứ Năm, 15/08/2024 - 11:37 GMT+7

Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành là một dự án hạ tầng lớn của ngành hàng không. Không những thế, đây còn là dự án trọng điểm của Việt Nam, mang lại những lợi ích chiến lược bền vững, góp phần ảnh hưởng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Với tính chất đặc biệt của dự án, trong tháng 4/2023, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã thành lập “Ban chỉ đạo triển khai nghiên cứu phương án tổ chức vùng trời và thiết kế phương thức bay cho cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành - Biên Hòa - Phan Thiết - Gò Găng” và thành lập “Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo”.


Để triển khai nhiệm vụ được giao có hiệu quả, trong tháng 9/2023, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã thành lập “Tổ thiết kế phương thức bay và vùng trời cụm sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất - Biên Hòa - Phan Thiết” của Tổng công ty để thực hiện các công việc có liên quan theo phân công của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo.


Đây được xác định là nhiệm quan trọng, tiền đề để triển khai thực hiện các kế hoạch, công tác trọng điểm của Chính phủ, có mức độ phức tạp trong việc nghiên cứu và phối hợp thực hiện do cụm các sân bay có vị trí địa lý nằm gần nhau và bị ảnh hưởng hạn chế về không gian bởi các vùng trời hoạt động quân sự.

 
(Dự thảo vùng trời tiếp cận sân bay Long Thành).

Sau những nỗ lực và sự cố gắng không ngừng nghỉ, đến tháng 8/2024, VATM đã cơ bản hoàn thành dự thảo thiết kế chi tiết vùng trời và PTB  cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành - Biên Hòa và đã được Cục HKVN thông qua phương án tổng thể thiết kế. Đây là bước tiến quan trọng, đánh dấu sự “hòa chung nhịp đập” của các cơ quan và tổ chức, hướng tới mục tiêu đưa Dự án Cảng HKQT Long Thành về đích trong thời gian sớm nhất.

 
(Phương án thiết kế PTB theo kịch bản 1 Tân Sơn Nhất CHC 25L/R, Long Thành CHC 23L, Biên Hòa CHC 27L/R).

Việc hoàn thành dự thảo thiết kế này là kết quả của sự nghiên cứu kỹ lưỡng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cũng như thành viên Tổ thiết kế nói chung và nhân viên Phòng Bản đồ - Phương thức bay thuộc Trung tâm Thông báo tin tức hàng không nói riêng. Theo đó, Tổ thiết kế đã tập trung vào việc xác định và đề xuất phương án thiết kế vùng trời và PTB nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cho hoạt động bay của cụm sân bay này.

 
(Phương án thiết kế PTB theo kịch bản 2 Tân Sơn Nhất CHC 25L/R, Long Thành CHC 23L, Biên Hòa CHC 27L/R). 

Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành - Biên Hòa có vị trí chiến lược quan trọng nên hoạt động quân sự tại đây có tính chất phức tạp, diễn ra thường xuyên và dày đặc. Do đó, vùng trời và PTB được thiết kế theo hai kịch bản chính: Kịch bản khi không có hoạt động quân sự (kịch bản 1) và kịch bản khi có hoạt động quân sự (kịch bản 2) nhằm đảm bản an toàn, cân bằng hoạt động bay giữa các bên liên quan.

 

Đối với kịch bản khi không có hoạt động quân sự, kịch bản này tập trung vào việc tối ưu hóa vùng trời để phục vụ cho hoạt động bay hàng không dân dụng. Các phương án thiết kế trong kịch bản này đảm bảo sự an toàn - điều hòa - hiệu quả cho các chuyến bay, tối đa hóa khả năng tiếp thu của vùng trời và đường cất hạ cánh.

 

Bên cạnh đó, kịch bản khi có hoạt động quân sự đặc biệt phức tạp và yêu cầu sự đồng bộ cao giữa PTB hàng không dân dụng và quân sự. Việc tính toán và xác định các vùng cấm bay, hành lang bay, loại hình hoạt động quân sự như huấn luyện, diễn tập hoặc các tác chiến phòng không, v.v cũng cần được quan tâm. Việc đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay dân dụng trong khi vẫn thực hiện được các yêu cầu bay quân sự là một trong những thử thách của dự án thiết kế này.

 
(Dự thảo phương thức bay Tân Sơn Nhất - RNP RWY 25L/R và Biên Hòa - RNP RWY 27L/R).

                                                                              (Dự thảo phương thức bay Long Thành - RNP RWY 23).


Việc hoàn thành dự thảo thiết kế vùng trời và PTB cho cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành - Biên Hòa khẳng định cam kết của VATM cũng như các phòng ban chuyên môn trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian tới.

 

Cùng với đó, sự tâm huyết và trình độ chuyên môn của các thành viên đã được thể hiện rõ qua việc hoàn thành dự thảo thiết kế này, đánh dấu một bước đi quan trọng trên con đường hướng tới mục tiêu tổng thể của dự án. Sự “hòa chung nhịp đập” và quyết tâm cao của các đơn vị liên quan hứa hẹn sẽ đưa Dự án Cảng HKQT Long Thành tiến đến thành công rực rỡ./.

(vatm.vn)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website