Hoàn tất định giá "doanh nghiệp khủng" ngành Hàng không

Thứ Ba, 13/01/2015 - 15:17 GMT+7

 Bộ GTVT vừa hoàn tất việc định giá công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Điều này cũng đồng nghĩa với việc cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp lớn này đang ở rất gần.

 
alt image
Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Loại “khoản nợ khó đòi” 
Theo Quyết định số 5114 của Bộ GTVT, giá trị thực tế của công ty mẹ - ACV tính đến 30/6/2014 là 37.919 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế vốn Nhà nước tại đây là 20.769 tỷ. Đáng lưu ý, giá trị thực tế của doanh nghiệp để CPH, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại ACV nêu trên không bao gồm giá trị các tài sản thuộc khu bay phục vụ cho hoạt động bay, khoản nợ phải thu khó đòi tại Công ty Cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN.
Trước đó, đầu tháng 1/2014, Bộ GTVT đã có văn bản xin phép Thủ tướng được thực hiện CPH công ty mẹ - ACV trong năm 2014. Theo đó, sau CPH, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 75% vốn điều lệ của đơn vị này.
Sau Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines), ACV là doanh nghiệp thứ hai trong ngành Hàng không thu hút sự quan tâm lớn của dư luận khi CPH. ACV được thành lập đầu năm 2012, trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị TCT Cảng Hàng không miền Nam, miền Bắc và miền Trung. 
Trong ba năm qua, dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, biến động nhưng tăng trưởng của ngành Hàng không vẫn khá tốt. Riêng năm 2014, theo thống kê của Cục Hàng không VN, tổng lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt mức trên 50,5 triệu hành khách, tăng trên 14,7% so với năm 2013. 
Doanh thu của ACV cũng từ đây tăng mạnh so với kế hoạch, ước đạt hơn 8.500 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, ACV công bố mức lợi nhuận trước thuế năm 2014 là 1.256 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch.
Nhiều nhà đầu tư ngoại “dòm ngó” ACV
Liên quan đến công tác CPH, trước đó, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng nhận định: “Vấn đề mấu chốt của công tác CPH doanh nghiệp là tìm được nhà đầu tư chiến lược”. 
Trên thực tế, đối với nhiều nước trên thế giới, kinh doanh cảng hàng không là hình thức kinh doanh tốt, mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, kinh doanh cảng hàng không tốt hay không phụ thuộc vào lưu lượng hành khách thông qua cảng mỗi năm. Ở Việt Nam, chỉ mới có một số cảng hàng không do có lưu lượng hành khách thông qua lớn là kinh doanh có lãi, cân đối được thu chi, còn nhiều cảng hàng không địa phương đang gặp khó khăn. Mặc dù vậy, về dài hạn kinh doanh cảng hàng không vẫn được đánh giá là một hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận. Vì vậy, theo ông Hùng, việc tìm được nhà đầu tư chiến lược đối với ACV không khó.
Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm tới ACV. Hồi cuối tháng 9/2014, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý sân bay Aeroport de Paris (ADP), ông Frederic Dupeyron bày tỏ mong muốn được tham gia vào dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cũng như trở thành đối tác chiến lược của ACV khi doanh nghiệp này tiến hành CPH. “ADP sẵn sàng đầu tư cùng ACV từ 15 - 25% hoặc có thể nhiều hơn nữa”, ông Frederic Dupeyron khẳng định. 
Trước đó, năm 2000, ADP đã mua 10% cổ phần Sân bay Bắc Kinh, góp phần đưa sân bay này lớn thứ ba thế giới. Năm 2012, ADP mua 38% cổ phần Sân bay Istanbul - sân bay lớn thứ tư ở châu Âu hiện nay. Cũng theo ông Frederic Dupeyron, CPH là công cụ quan trọng để đạt mục tiêu chiến lược. Với ACV, đây cũng là cơ hội “độc nhất vô nhị” để tìm đối tác chiến lược trong ngành này. 

 
Đến thời điểm này, ACV đã IPO thành công hai công ty con lớn nhất là Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO), Công ty TNHH MTV Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS). Dự kiến các đơn vị này sẽ thực hiện chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần vào quý I/2015. Riêng trường hợp của Công ty TNHH Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), phiên IPO của doanh nghiệp này đã lập hai kỷ lục giá và khối lượng đặt mua. Cụ thể, 254 nhà đầu tư đã đặt mua hơn 40,1 triệu cổ phần, trong khi lượng đấu giá chỉ có 2,7 triệu cổ phần. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn đặt mua toàn bộ 2,7 triệu cổ phần được SAGS mang ra đấu giá. Giá đặt mua trung bình lên đến 44.693 đồng/cổ phần (gấp 3,6 lần giá khởi điểm). 

Trước đó, toàn bộ 31,1 triệu cổ phần của Công ty Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) mang ra đấu giá đã được nhà đầu tư đặt mua hết với giá bình quân 19.330 đồng/cổ phần (cao hơn 93% so với giá khởi điểm), tổng số tiền thu về hơn 601 tỷ đồng. 
                                                                             (giaothongvantai.com.vn)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website
EMC Đã kết nối EMC