Ngày 05/8/2024, các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (ANSP) của Australia, Indonesia, New Zealand và các hãng hàng không quốc gia Qantas, Air New Zealand, Garuda và Singapore Airlines đã khởi động các thử nghiệm Đường bay ưu tiên khai thác (UPR/User-Preferred Routing) ở 38 đường bay được lập kế hoạch giữa các thành phố tại Australia/New Zealand và Indonesia/Singapore.
Các thử nghiệm sẽ kéo dài trong 3 tháng, sau đó các bên tham gia sẽ đánh giá kết quả. Dựa vào phản hồi của nhà khai thác, các bên sẽ nghiên cứu chuyển các thử nghiệm sang khai thác thực tế và mở rộng UPR cho nhiều thành phố và các hãng hàng không hơn.
Với UPR, bầu trời là một không gian mở, các phi công có được sự linh hoạt trong lựa chọn các đường bay thẳng và hiệu quả nhất tới các điểm đến mà không phải theo các trục bay lớn cố định đã được xác định trước. Điều này sẽ cho phép việc sử dụng vùng trời hiệu quả hơn và giúp giảm thời gian bay và phát thải carbon. Ví dụ, các hãng hàng không có thể tiết kiệm tới 1700kg nhiên liệu cho một chuyến bay giữa Singapore và Melbourne và hơn 1960 tấn phát thải carbon một năm đối với đường bay đó với lịch khai thác hàng ngày.
Thử nghiệm UPR là một sáng kiến quan trọng trong khuôn khổ Thỏa thuận cho Dự án Triển khai Khai thác đường bay tự do (FRTO/Free Route Operations) khu vực Đông Nam Á - Châu Đại Dương được ký giữa các ANSP của Indonesia, New Zealand, Singapore và CANSO, IATA bên lề Hội nghị Dẫn đường hàng không thế giới (Air Navigation World Conference) của ICAO vào tháng 10/2023 tại Singapore. ANSP của Australia là AirServices Australia sau đó cũng đã tham gia thỏa thuận hợp tác và tham gia vào thử nghiệm UPR.
Các ANSP tham gia vào chương trình thử nghiệm đều chia sẻ mong muốn hợp tác hiệu quả để tạo ra lợi ích chung cho toàn ngành hàng không cũng như cho từng bên liên quan. Ông Rob Sharp, CEO lâm thời của Airservices Australia phát biểu: “Hợp tác với các hãng hàng không để cho phép họ giảm khí phát thải là trọng tâm của chiến lược môi trường và bền vững, phù hợp với Mục tiêu dài hạn của ICAO với khát vọng đưa ngành hàng không toàn cầu tiến tới phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Là một ngành, chúng ta cần phát triển và triển khai các thực hành đổi mới để bảo đảm rằng chúng ta sẽ có một ngành hàng không hiệu quả và bền vững. Thông qua hợp tác, chúng ta có thể tạo điều kiện cho nhiều đường bay hiệu quả hơn mà có thể giảm việc sử dụng nhiên liệu và phát thải, và tối ưu hóa hiệu quả tải khai thác.”.
Tiến sĩ Xie Xingquan, Phó Chủ tịch lâm thời khu vực Bắc Á và Châu Á - Thái Bình Dương của IATA chia sẻ: “Chúng tôi xin chúc mừng Australia, Indonesia, New Zealand và Singapore trong việc dẫn đầu triển khai thử nghiệm đa phương này. Đây là một một sáng kiến quan trọng được ngành mong chờ đón nhận. Các cải thiện tăng lên về khai thác cho từng chuyến bay đơn lẻ sẽ cùng nhau tạo ra các lợi ích rõ rệt nhân lên theo số lượng chuyến bay và các cặp thành phố tham gia. Thử nghiệm là một khởi động tốt, và chúng tôi mong muốn mở rộng ra ngoài phạm vi bốn quốc gia và hãng hàng không tham gia ban đầu.”
(vatm.vn)
Ngày 5/9/2024, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (TCT QLBVN) tổ chức Hội nghị đánh giá sau khai thác Phương thức Quản lý luồng không lưu (ATFM) đa điểm nút mức 3 tại Việt Nam.
Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành là một dự án hạ tầng lớn của ngành hàng không. Không những thế, đây còn là dự án trọng điểm của Việt Nam, mang lại những lợi ích chiến lược bền vững, góp phần ảnh hưởng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong hai ngày (08-09/8/2024), tại thành phố Siem Reap, Campuchia diễn ra Hội thảo về phát triển và chính sách quản lý không lưu trong Dự án hợp tác Hàng không dân dụng Mekong - Lancang.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão YAGI).