Nhiên liệu sinh học bền vững cho ngành Hàng không

Thứ Sáu, 03/08/2012 - 17:22 GMT+7

 Nhiên liệu hóa thạch vốn là thủ phạm gây ô nhiễm không khí đáng sợ nhất cũng đang dần cạn kiệt, nhiên liệu sinh học dường như đang trở thành cứu cánh cho nhiều ngành vận tải phục vụ dân sự và quốc phòng, trong đó có ngành Hàng không.

Mỹ lần đầu thử nghiệm máy bay dùng nhiên liệu cồn
Đài Tiếng nói nước Nga dẫn thông báo của “Diễn đàn đối thoại quốc phòng” cho biết, không quân Mỹ đã lần đầu tiên thử nghiệm máy bay tấn công A-10 Thunderbolt II dùng nhiên liệu “rượu cồn”. Trong quá trình thử nghiệm, nhiên liệu của máy bay tấn công gồm hỗn hợp từ ATJ và nhiên liệu máy bay tiêu chuẩn JP-8.
Theo lời viên phi công thử nghiệm, Thiếu tá Olivia Elliott, chiếc A-10 hoạt động dễ dàng trong không trung, giống như nó đang sử dụng nhiên liệu thông thường. Cuộc thử nghiệm máy bay tấn công A-10 tiến hành trong khuôn khổ chương trình của Không quân Mỹ nhằm chuyển đổi tất cả các loại máy bay sang sử dụng nhiên liệu thay thế.
ATJ được chiết xuất từ đường trong các loại gỗ, giấy, cỏ và những vật liệu thảo mộc khác chứa nhiều cellulose. Số đường thu được sẽ chưng cất thành cồn, sau đó đi qua quá trình lọc tinh khiết hydro. Sản phẩm nhiên liệu cuối cùng nhận được có thể thay thế cho nhiên liệu máy bay tiêu chuẩn JP-8 hiện đang được sử dụng.
Bay thành công 4 chuyến bay với nhiên liệu sinh học
Trước đó, 4 chuyến bay hoàn toàn sử dụng nhiên liệu sinh học bay từ trụ sở Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ở thành phố Montreal của Canada đến thành phố Rio de Janeiro của Brasil đã hạ cánh thành công và an toàn. Chuyến bay đã nối chuyến đưa Tổng Thư ký ICAO, Raymond Benjamin, cùng nhiều quan chức của tổ chức, Brasil và đại diện các hãng hàng không cùng đại diện các hãng chế tạo máy bay thế giới tới tham dự Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20).
Tổng Thư ký Benjamin cho biết, 4 chuyến bay có tên gọi “Đường bay đến tương lai bền vững” được các hãng hàng không Aeroméxico (Mexico), GOL (Brasil, Air Canada và Porter Airlines (Canada), các hãng chế tạo máy bay Airbus, Boeing, Bombardier (Canada), Embraer (Brasil); các công ty sản xuất nhiên liệu sinh học ASA, Curcas, SkyNRG, UOP và các sân bay quốc tế ở các thành phố Montreal, Toronto, Mexico City, Sao Paulo và Rio de Janeiro phối hợp thực hiện.
Ngoài ra, còn hai chuyến bay quốc tế khác bằng nhiên liệu sinh học cũng đã được các hãng hàng không Azul và Embraer của Brasil thực hiện thành công, trong đó có chuyến bay từ châu Âu đến thành phố Rio de Janeiro.
Nhiên liệu sinh học được sử dụng trong 6 chuyến bay này được chiết xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng, dầu ngô không sử dụng được làm thực phẩm, từ các cây bản địa Châu Âu và Châu Á như cây vừng Đức (camelina), cây jatropha, từ nguồn rỉ đường của công nghiệp mía đường.
Tổng Thư ký ICAO nhấn mạnh thành công của 6 chuyến bay quốc tế hoàn toàn bằng nhiên liệu sinh học này khẳng định nhiên liệu sinh học bền vững cho ngành Hàng không đã trở thành hiện thực. Các nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch đang cạn kiệt và thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể giúp ngành Hàng không đáp ứng các mục tiêu giảm khí thải mà không cạnh tranh các nguồn tài nguyên đất và nước với sản xuất lương thực.
Thành công này cũng chuyển tải thông điệp của ngành vận tải Hàng không thế giới, bao gồm các hãng hàng không, các sân bay, các nhà chế tạo máy bay, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải Hàng không, trong đó khẳng định cam kết của ngành hàng không về trách nhiệm với môi trường trong khi thúc đẩy vai trò xúc tác phát triển kinh tế xã hội, đem lại lợi ích khổng lồ cho cộng đồng và nền kinh tế toàn cầu. Thông điệp này cũng kêu gọi các chính phủ hỗ trợ các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học bền vững tăng sản lượng nguồn nhiên liệu này để sản xuất kinh tế hơn và tôn trọng các tiêu chuẩn bền vững.
ICAO nêu rõ ngành Hàng không là ngành kinh tế then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội thông qua việc tạo ra 56,6 triệu việc làm và đóng góp hơn 2.200 tỷ đôla Mỹ vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu.
Sự hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới cũng như các nguồn nhiên liệu sinh học bền vững và cải thiện cơ sở hạ tầng Hàng không có ý nghĩa quan trọng sống còn để ngành Hàng không tiếp tục vai trò tích cực thúc đẩy phát triển KT-XH và giảm tối đa tác động đến môi trường./.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website