Siết chặt quản lý, kiểm tra, đào tạo và cấp giấy phép nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không

Thứ Sáu, 13/11/2015 - 09:34 GMT+7

Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị 6079/CT-CHK ngày 10/11/2015 về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đào tạo, cấp giấy phép nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.




Nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn khai thác tại các cảng hàng không, sân bay (CHK,SB) đối với nhóm nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của CHK, SB (nhân viên TTBMĐ); bảo đảm an toàn hàng không và loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn gây uy hiếp an toàn hàng không tại các CHK,SB, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch hành động số 5929/KH-CHK ngày 30/10/2015 của Cục HKVN về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đào tạo, cấp giấy phép nhân viên TTBMĐ.
Theo đó, các phòng ban chuyên môn của Cục HKVN rà soát văn bản quy phạm pháp luật và các quy định, Tiêu chuẩn cơ sở liên quan; bổ sung, sửa đổi các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với việc cấp giấy phép, cấp năng định, công nhận cơ sở đào tạo và huấn luyện đào tạo cho nhóm nhân viên TTBMĐ; kiện toàn Hội đồng kiểm tra cấp giấy phép nhân viên hàng không nhóm “Điều khiển, vận hành phương tiện, trang bị, thiết bị mặt đất; kiểm tra công tác đào tạo, chương trình, giáo trình giảng dạy; tiêu chuẩn, trình độ, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên chuyên trách và giáo viên kiêm nhiệm của các Trung tâm đào tạo được Cục HKVN công nhận; kiểm tra, rà soát nội dung, quy định, quy trình phục vụ mặt đất của từng loại phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế CHK, SB; rà soát và xác định nhiệm vụ cụ thể của nhân viên, cán bộ các cấp khi làm việc trong khu vực hạn chế để sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý chặt chẽ và phân định trách nhiệm…



Đối với các doanh nghiệp khai thác và phục vụ khai thác tại CHK, SB có thực hiện nhiệm vụ điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của CHK, SB cần rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về tiền lương, thưởng, bồi dưỡng; thời gian làm việc, nghỉ ngơi, kỷ luật lao động… đối với người lao động đặc biệt là nhân viên trực tiếp điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của CHK, SB để sửa đổi bổ sung phù hợp, đủ răn đe và khuyến khích nhân viên phải thực hiện đúng quy trình, quy định. Đồng thời, ban hành quy chế nội bộ của doanh nghiệp trong đó xác định cụ thể phạm vi, trách nhiệm cho từng cấp, từng cán bộ lãnh đạo mỗi bộ phận, đơn vị, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo trực tiếp quản lý nhân viên quy định rõ trách nhiệm liên đới của cán bộ phụ trách các cấp khi xảy ra sự cố gây mất an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ điều khiển, vận hành trang thiết bị mặt đất. Tổ chức ký cam kết thực hiện đúng quy trình, quy định tới 100% cán bộ, nhân viên tham gia dây chuyền điều khiển, vận hành phương tiện, trang thiết bị mặt đất.
Các doanh nghiệp rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động toàn bộ hệ thống camera hành trình của các phương tiện, trang thiết bị đã được lắp đặt. Nghiên cứu, xem xét xây dựng lộ trình đầu tư lắp đặt camera giám sát hành trình đối với các phương tiện, trang thiết bị có tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn hàng không hoạt động tại khu vực hạn chế của CHK, SB để giám sát quá trình thực hiện quy trình phục vụ của nhân viên TTBMĐ. Đánh giá năng lực chuyên môn về lĩnh vực TTBMĐ của cán bộ thực hiện nhiệm vụ giám sát nhân viên điều khiển, vận hành trang thiết bị hiện nay để xem xét bổ sung, đào tạo hoặc bố trí lại các vị trí giám sát thích hợp bảo đảm giám sát đầy đủ, thường xuyên. 
Ngoài ra, các doanh nghiệp phát động các phong trào thi đua, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện nhiệm vụ và báo cáo tự nguyện người có hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của CHK, SB. Phát hiện các nhân tố tích cực để xây dựng điển hình và nhân rộng gương điển hình.
P.V

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website