Quản lý, phối hợp điều hành bay hàng không dân dụng và quân sự

Thứ Năm, 22/09/2016 - 17:23 GMT+7

Ngày 21/9, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình quản lý, phối hợp điều hành bay hàng không dân dụng và quân sự trong thời gian vừa qua và triển khai các công việc cấp thiết cần thực hiện trong thời gian tới.



Tham dự cuộc họp về phía Bộ Quốc phòng có Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Hoàng Viết Quang, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.  Đại diện các Vụ, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan… cũng tham dự cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định trong thời gian vừa qua, sự kết hợp, hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, đặc biệt là Quân chủng Phòng không - Không quân giữa hàng không dân dụng và bên quân đội tương đối tốt, đã giải quyết được rất nhiều vấn đề. Cuộc họp hôm nay tiếp tục rà soát lại những vướng mắc, có sự thống nhất chung, đẩy mạnh đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao sự phối hợp trong công tác tìm kiếm cứu nạn, chia sẻ kinh nghiệm… Bộ GTVT mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Quốc phòng đặc biệt là Quân chủng Phòng không - Không quân để phát triển, tăng trưởng của hàng không dân dụng, đảm bảo an toàn, an ninh quốc phòng.
Tại cuộc họp, Thiếu tướng  Hoàng Viết Quang, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Quốc Phòng đã có văn bản trả lời văn bản của Bộ GTVT về khó khăn, vướng mắc cần phối hợp giải quyết giữa hàng không dân dụng và quân sự.  Theo đó, 11 nội dung mà Bộ GTVT đưa ra tập trung vào 04 nhóm vấn đề gồm: Vấn đề đất đai tại các sân bay để giải quyết vấn đề chống ùn tắc trên không, tại sân bay và vùng phụ cận; Việc tổ chức vùng trời, các đường hàng không; điều chỉnh các vùng cấm, xin mở các đường bay mới, nhất là các  đường bay ở phía Bắc; Tập trung ban hành các VB QPPL, triển khai Luật hàng không và các quy định khác cho chặt chẽ và việc đánh giá tình hình biển Đông và các phương án đấu tranh bảo vệ vùng trời.
Đi vào cụ thể từng nội dung, đối với việc di dời các hoạt động bay quân sự ra ngoài các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc triển khai di dời các hoạt động bay. Hiện tại, Bộ Quốc phòng đã lên kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị kiểm đếm tài sản, thống nhất phương án các đơn vị liên quan của ngành hàng không, sớm tiến hành bàn giao trong tháng 10/2016 đối với sân bay Tân Sơn Nhất. Với những nỗ lực và quyết tâm trên, Bộ Quốc phòng hy vọng việc ách tắc ở đường băng sân đỗ ở các sân bay lớn sẽ được cải thiện tương đối cơ bản và hiệu quả.
Đối với việc nghiên cứu thiết lập đường hàng không phục vụ cho hoạt động bay quốc tế đi, đến Cảng HKQT Cát Bi, Bộ Quốc phòng thống nhất về chủ trương thành lập tổ công tác liên ngành quân sự dân dụng để phối hợp nghiên cứu giải quyết.  Riêng việc điều chỉnh chế độ sử dụng đường bay W3 (Nội Bài - Cát Bi), Bộ Quốc phòng cho biết để tạo điều kiện thuận lợi hoạt động hàng không, thống nhất phương án cho phép hoạt động khi không có không quân hoạt động và điều kiện thời tiết cho phép. Đề nghị Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng Quy chế hoạt động, gửi Bộ Tổng tham mưu.
Bộ Quốc phòng thống nhất với chủ trương đề nghị nghiên cứu điều chỉnh các khu vực cấm, khu vực hạn chế và công tác tổ chức quy hoạch lại các không vực hoạt động bay quân sự; đề nghị giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục nghiên cứu cắt bớt các đường bay ngang, quy hoạch đánh giá lại các đường bay, gỡ bỏ bớt các đường bay có hiệu quả thấp.
Đối với đề nghị xem xét giảm độ cao khu vực cấm thành phố Hồ Chí Minh từ 3000m xuống 1500m nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động bay và công tác điều hành bay, tăng khả năng khai thác cho sân bay Tây Sơn Nhất… Bộ Quốc Phòng đồng ý với điều kiện Bộ GTVT giải trình được mức độ cấp thiết và phương án gửi cho Bộ Tổng Tham mưu xem xét.
Về việc ban hành Quy chế bay tầm thấp trong vùng trời Việt Nam và quản lý hoạt động bay không người lái, ông Hoàng Viết Quang cho biết đây là nội dung mới, chưa được Bộ Quốc phòng quan tâm nhiều. Dự kiến Bộ sẽ  soạn thảo và ban hành vào Quý II/2017, Quy chế sẽ là sự tích hợp các nội dung hoạt động theo Nghị định 125 và các quy tắc khác của Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng cũng đồng ý với đề nghị công bố địa chỉ của Cục Tác chiến là cơ quan cấp phép bay phục vụ cấp phép hoạt động bay tìm kiếm cứu nạn và các chuyến bay ngoài đường hàng không theo quy định. Đối với đề nghị ban hành Quy chế phối hợp hàng không dân dụng và quân sự khi có bắn đạn thật hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các hoạt động thường lệ của hàng không dân dụng, Bộ Quốc phòng thống nhất đề nghị của Bộ GTVT cần thiết ban hành Quy chế phối hợp.  
Bộ Quốc phòng cũng đưa ra ý kiến đối với các nội dung về công tác quản lý chướng ngại vật hàng không, việc xác định đất ranh giới dân dụng và quân sự; công tác bàn giao đất tại Cảng HKQT Đà Nẵng; phối hợp sử dụng phần sân đỗ tàu bay quân sự 21 ha tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để khai thác phần dân dụng…
Thiếu tướng Hoàng Viết Quang khẳng định giữa 02 Bộ luôn có sự phối hợp chặt chẽ, khăng khít trong các lĩnh vực đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, đường sắt, đường biển, ATGT... Thiếu tướng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục phối hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện cùng hợp tác và hội nhập quốc tế. Cụ thể các vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nhân sự, phổ biến luật pháp quốc tế về hoạt động HKDD, công tác an ninh an toàn hàng không và tìm kiếm cứu nạn… Bộ Quốc phòng cũng đề nghị Cục Hàng không và các đơn vị liên quan quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển lực lượng dự bị quốc phòng khi có tình huống khẩn cấp.
Sau khi nghe đại diện các đơn vị dự họp trình bày ý kiến xung quanh 11 nội dung nói trên, kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật mong Bộ Quốc phòng tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển ngành hàng không dân dụng trong quá trình hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường hiện nay.
Thứ trưởng đề nghị trong thời gian chuyển đổi sau khi Luật Hàng không dân dụng sửa đổi năm 2014 ban hành, nhiều văn bản QPPL chưa theo kịp, Bộ GTVT cần phải đề xuất ý kiến để hoạt động quân sự quốc phòng với hàng không dân dụng không bị chồng lấn, ảnh hưởng lẫn nhau. Thứ trưởng cho biết hiện tại, tốc độ tăng trưởng hàng không dân dụng của VN rất lớn, cần phải đảm bảo an toàn và an ninh quốc phòng… đây là vấn đề cần hết sức lưu ý, nghiên cứu xử lý.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật thống nhất theo những đề xuất của Bộ Quốc phòng, trong đó có việc cần có Quy chế về sự phối kết  hợp giữa 2 bên chặt chẽ hơn, sâu rộng hơn.
"Cần sử dụng tối đa thế mạnh của bên quân đội, với những gì bên dân dụng mạnh thì hỗ trợ thêm cho bên quân đội. Bên Bộ Quốc phòng nên cử ra danh sách một số cán bộ, có trách nhiệm trao đổi, nắm chắc hơn về hàng không dân dụng đồng thời xây dựng chương trình, khóa học để phổ biến, cập nhật liên tục về Luật Hàng không dân dụng cho cán bộ", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Đối với các vấn đề cụ thể, Thứ trưởng thống nhất đo vẽ lại tất cả đất sân bay; yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì thành lập Tổ thực hiện công tác, đưa ra lộ trình, quy chế hoạt động;  xây dựng Quy chế phối hợp với trường bắn đạn thật, thành lập Tổ thông báo quy trình, lịch bắn, thời gian, độ cao... có sự phối hợp, thông tin nhanh chóng trong hoạt động điều hành bay. Thứ trưởng cũng yêu cầu quy hoạch lại một loạt đường bay, thống nhất xin ý kiến Bộ Quốc phòng.
Thứ trưởng cho biết, trong tháng 10/2016, Bộ GTVT sẽ tổ chức Hội nghị kết hợp tìm kiếm cứu nạn giữa hàng không và hàng hải, đề nghị Bộ Quốc phòng mời những đơn vị có liên quan trong tìm kiếm cứu nạn tham gia Hội nghị cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác thông tin và tìm kiếm cứu nạn.
Nguồn: mt.gov.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website