Hội nghị hiệp đồng quản lý không lưu giữa Campuchia, Lào và Việt Nam

Thứ Hai, 12/09/2016 - 10:24 GMT+7

Trong hai ngày 29-30/8/2016, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) đã tổ chức Hội nghị hiệp đồng Quản lý không lưu giữa Vương quốc Campuchia, Lào và Việt Nam tại Đà Nẵng.


Phó Cục trưởng Cục HKVN Đỗ Quang Việt phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có 42 đại biểu đến từ Ủy ban Nhà nước về Hàng không dân dụng Campuchia (SSCA), Cơ quan Quản lý bay Campuchia (CATS), Cục Hàng không Lào (Lao DCA), Cơ quan Quản lý bay Lào (LATM), Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Quân chủng Phòng không – Không  quân, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Cảng vụ Hàng không miền Trung, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Tổng công ty Hàng không Việt Nam 
Tiếp tục các nội dung về xem xét cấu trúc các đường hàng không tại các Hội nghị hiệp đồng không lưu khu vực sông Mê Công (MK/ATM/CG), Hội nghị đã thảo luận và thống nhất về việc bổ sung, sửa đổi cấu trúc các đường hàng không liên quan gồm: Thống nhất nâng cấp đường hàng không hiện hành B329 từ kiểu loại đường bay không lưu (ATS) thành đường bay sử dụng dẫn đường RNAV5 mới thay thế cho đường hàng không B329 hiện tại; Nghiên cứu thiết lập bổ sung đường hàng không song song với đường hàng không G474 và đường Hàng không song song với đường R468 nhằm tăng khả năng thông qua của vùng trời; Điều chỉnh lại đường hàng không R575 từ Đà Nẵng - Attapeu - Kok kong phục vụ tuyến bay Đà Nẵng - Attapu và tạo thuận lợi cho khai  thác hoạt động bay loại nhỏ như ATR72.
Do có những tiến bộ và nâng cấp về cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực, Căm-pu-chia đề xuất ngừng việc ủy quyền cho ACC Hồ Chí Minh cung cấp dịch vụ không lưu trên đường R468 (PNH-SAPEN) và phân đoạn phía Nam của FIR Phnom Penh. Hội nghị nhất trí với đề xuất này.



Việt Nam cũng đã thông báo với Hội nghị theo thống kê tổng số các chuyến bay hoạt động trên trục Bắc - Nam hiện tại lên tới gần 500 chuyến bay một ngày (cả quốc nội và quốc tế) có lưu lượng lớn hơn các đường hàng không quốc tế trên trục Đông Tây như đường A202, A1 tuy nhiên chỉ được phân bổ 02 cặp mực bay không phải hiệp đồng trước khi khởi hành (No-PDC). Đường HK G221, được thiết lập từ tháng 3 năm 2010 đến nay chưa được phân bổ các mực bay No-PDC.  Việt Nam đánh giá các mực bay No-PDC hiện tại được phân bổ chưa cập nhật theo tình hình hoạt động bay và đề xuất bổ sung 01 mực bay No-PDC (FL290) nhằm đáp ứng với tình hình hoạt động bay thực tế. Hội nghị thống nhất với đề xuất của Việt Nam và đưa vào Thỏa hiệp thư sửa đổi mới.
Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu của Văn phòng ICAO khu vực về việc rà soát, cập nhật ranh giới Vùng thông báo bay (FIR) và Vùng tìm kiếm cứu nạn (SRR) trong Bản điện tử về dự thảo Kế hoạch không vận (eANP), Campuchia và Lào mong muốn xác nhận với Việt Nam về các tọa độ của ranh giới FIR và SRR để thông báo cho ICAO. Việt Nam đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của Lào và Campuchia và sẽ thông tin cho Lào và Campuchia sau khi trao đổi thống nhất nội bộ.  
Tại Hội nghị, sau khi thảo luận các bên đã ký kết lại các Thỏa hiệp thư không lưu giữa ACC Viên Chăn và ACC Hà Nội, ACC Phnom Penh và ACC HCM.
Cũng tại Hội nghị, các bên thông báo tình hình áp dụng kết nối liên lạc dữ liệu giữa các cơ sở không lưu (AIDC) của mình, đề cập các vấn đề khi thực hiện kết nối giữa các quốc gia. Hội nghị nhất trí với kế hoạch thử nghiệm kết nối AIDC thời gian tới gồm: Giữa Campuchia và Việt Nam: thử nghiệm khai thác trong quý I/2017; Giữa Campuchia và Lào: thử nghiệm khai thác trong quý I/2017.
Việt Nam thông báo với Hội nghị về tiến độ triển khai mạng ADS-B và ra-đa tại Việt Nam và nhất trí sẽ triển khai chia sẽ dữ liệu ra-đa với Lào theo lộ trình đã thống nhất và sau khi giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan.
Việt Nam thông tin tại hội nghị về bản sửa đổi Kế hoạch ứng phó không lưu của Việt Nam và giới thiệu về dự thảo sửa đổi văn bản thỏa thuận trợ giúp tìm kiếm cứu nạn giữa Cục HKVN với Cục HK Lào, Cục HK Căm-pu-chia liên quan đến cập nhật đầu mối liên lạc và tên cơ quan có thẩm quyền về TKCN có liên quan. Lào và Căm-pu-chia ghi nhận đề xuất của Việt Nam và sẽ xúc tiến các thủ tục nội bội để tiến hành ký kết Thỏa hiệp thư TKCN trong thời gian tới. 
Ngoài ra, Việt Nam giới thiệu tổng quan về các dịch vụ khí tượng hàng không tại Việt Nam, Trung tâm cảnh báo thời tiết (MWO) và mong muốn tìm kiếm sự hợp tác hơn nữa với các quốc gia láng giềng nhằm tăng cường chất lượng các dịch vụ khí tượng hàng không và năng lực giám sát khí tượng hàng không. Hội nghị ghi nhận các nội dung Việt Nam thông báo và nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận để hợp tác cung cấp các dịch vụ khí tượng trong thời gian tới.



Hội nghị nhất trí Hội nghị hiệp đồng Quản lý không lưu giữa Campuchia, Lào và Việt Nam sẽ được tổ chức luân phiên theo thứ tự bảng chữ cái Alphabet khoảng 6 tháng sau Hội nghị hiệp đồng Quản lý không lưu tiểu vùng sông Mê Công (MK/ATM/CG). Campuchia, với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị kế tiếp, sẽ thông báo cho Lào và Việt Nam thời gian, địa điểm cho Hội nghị hiệp đồng Quản lý không lưu tiếp theo. 
Trong thời gian tới, Cục HKVN sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, Văn phòng ICAO khu vực, Lào và Căm-pu-chia để xác định tên gọi, thông số cụ thể các đường hàng không và trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt theo quy định.
Về ranh giới các vùng FIR và SRR, để có cơ sở thống nhất với Lào và Căm-pu-chia, Cục HKVN sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc Phòng, Văn phòng Ủy ban biên giới Quốc gia để thống nhất phương án và sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét quyết định.
Cục HKVN cũng tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty QLBVN trong việc kết nối AIDC và chia sẻ dữ liệu ra-đa theo kế hoạch.
Phòng QLHĐB



Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website