Đẩy nhanh CPH Học viện Hàng không VN đáp ứng nguồn nhân lực cho Ngành

Thứ Ba, 28/06/2016 - 15:09 GMT+7

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đối với lãnh đạo, giáo viên nhà trường trong buổi thăm và làm việc với Học viện Hàng không Việt Nam (HVHK VN), sáng 27/6. Cùng dự buổi làm việc với Học viện có Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GTVT Trần Văn Lâm; Vụ trưởng Vụ Tài chính Đỗ Văn Quốc…



Báo cáo Đoàn công tác, Giám đốc Học viện HKVN Nguyễn Thị Hải Hằng cho biết Học viện Hàng Không Việt Nam được thành lập ngày 17/7/2006 trên cơ sở nâng cấp Trường Hàng không Việt Nam.
Về cơ cấu tổ chức, hiện Học viên có 6 phòng; 7 khoa; 5 trung tâm, tính đến tháng 6/2016 là 169 người, trong đó có 112 giảng viên – giáo viên (tỉ lệ 66%). Học viện có 3 cơ sở với tổng diện tích đất quản lý và sử dụng là 10,13 hecta.
Hiện nay, Học viện có 2 hệ thống chương trình đào tạo chính: Đại học, sau đại học và trung cấp nghề. Từ tháng 12/2015 đến nay, Học viện đang tập trung mọi nguồn lực nhằm xây dựng hệ thống đào tạo thứ 3: Đào tạo chứng chỉ chuyên môn nhân viên hàng không theo qui định của Cục HKVN. Học viện cũng được Cục HKVN công nhận là cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên An ninh Kiểm soát và An ninh soi chiếu. Bên cạnh đó, Học viện cũng đã được Cục HKVN công nhận là cơ sở đào tạo đối với các chương trình: Quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, Khí tượng hàng không, Bồi dưỡng kiến thức vô tuyến điện.
Hiện nay, Học viện đang hợp tác với các doanh nghiệp để đủ điều kiện đề nghị Cục HKVN phê chuẩn là cơ sở đào tạo nhân viên hàng không đối với các chức danh: Kiểm soát không lưu (hợp tác với VATM), Kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay (hợp tác với VAECO), Tiếp viên hàng không (Hợp tác với FTC-VNA), Khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay (hợp tác với SAGS)...
Về cơ sở đào tạo Học viện HKVN có 77 phòng học, trong đó có 1 phòng học có sức chứa 200 người, 8 phòng học có sức chứa 80 người và  16 phòng học có sức chứa 70 người; 30 phòng thực hành, thực tập phòng Lab, phòng thí nghiệm cho từng ngành học như điện tử viễn thông, quản lý hoạt động bay, an ninh hàng không, dịch vụ thương mại...
“Tuy nhiên hiện nay, cơ sở, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học đã cũ chỉ đủ để đào tạo cơ bản mà chưa tiếp cận được với các thiết bị tiên tiến tương tự với sự phát triển vượt bậc của ngành Hàng không trong vài năm lại đây. Vì điều kiện khó khăn nên Học viện cũng khó thu hút được giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn trong ngành tham gia giảng dạy”, bà Nguyễn Thị Hải Hằng cho biết.
Qua đó, bà Nguyễn Thị Hải Hằng kiến nghị Bộ GTVT cho phép các doanh nghiệp hàng không hỗ trợ, đầu tư kinh phí cho Học viện để mua sắm trang thiết bị đào tạo. Đưa nội dung tài trợ đào tạo của các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng không, để Học viện tiếp nhận được một phần trong các khoản tài trợ này, đồng thời, bà Hằng đề nghị Bộ hỗ trợ Học viện tham gia tổ chức đào tạo HK quốc tế Trainar Plus – ICAO…



Sau khi nghe Giám đốc Học viện HKVN Nguyễn Thị Hải Hằng báo cáo và kiến nghị những khó khăn của Học viện trong thời điểm hiện tại cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Cổ phần hoá (CPH) Học viện Hàng không VN, các đồng chí thành viên trong Đoàn công tác Bộ GTVT đã phân tích những cơ sở pháp lý; tổ chức; tài chính… để lãnh đạo, giáo viên nhà trường hiểu rõ và thực hiện theo đúng tiến trình của Bộ GTVT đã đề ra và đã báo cáo Chính phủ.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, việc CPH Học viện HKVN là một yêu cầu tất yếu, đúng đắn đã được Bộ GTVT, Chính phủ đưa ra chủ trương và Ban Giám đốc Học viện cần phối hợp với các cơ quan của Bộ để đẩy nhanh tiến độ nhiệm vụ này. Trước mắt, tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành đánh giá, xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định, dự kiến hoàn tất trước 30/6/2016. Sau đó sẽ tiến hành các thủ tục, trình tự tiếp theo để hoàn thành việc cổ phần hoá Học viện.
“Hiện tại, ngân sách không thể “nuôi” Trường. Trong khi đó, tại Học viện, thiết bị lạc hậu, cơ sở vật chất cho dạy và học nghèo nàn không đủ điều kiện hiện đại để đào tạo được cán bộ, nhân viên cho ngành Hàng không, một ngành luôn đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới. Bên cạnh đó,  đội tàu bay của tất cả các hãng hàng không tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh, nguồn nhân lực đáp ứng là đang rất thiếu và chưa tập trung. Do vậy chỉ có CPH, Học viện HKVN mới có điều kiện được trang bị đủ thiết bị hiện đại, theo kịp sự phát triển KHKT nói chung và ngành hàng không nói riêng, từ đó mới có thể đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành một cách tốt nhất”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.
Từ đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Lãnh đạo Học viện, Cục Hàng không VN, Văn phòng Bộ sớm hoàn thành báo cáo mô hình Công ty cổ phần của Học viện từ việc định hướng dạy và học đến các vấn đề liên quan như tài sản, con người, đặc biệt là quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên nhà trường khi chuyển sang mô hình quản trị mới.
“Cục HKVN, các cơ quan của Bộ, nhất là Ban Đổi mới doanh nghiệp của Bộ phải hỗ trợ cùng Học viện xác định tiêu chí chọn cổ đông chiến lược; định giá tài sản và hoàn thiện các thủ tục khác nhưng dù làm cách nào vẫn phải đảm bảo mục tiêu hoàn thành CPH Học viện HKVN đúng tiến độ và cổ đông chiến lược phải phát huy được lợi thế của Nhà trường; tài sản, bộ máy quản trị phải được sử dụng và phát triển cho mục đích duy nhất là đào tạo cán bộ ngành Hàng không chuyên nghiệp, tay nghề cao; cung cấp đủ số lượng cán bộ, nhân viên cho các hãng hàng không có tài, có đạo đức, có văn hoá vì Hàng không không chỉ là một ngành phục vụ mà còn là bộ mặt của quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế’, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Nguồn: mt.gov.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Tin đã đưa
Khai thác hơn 2000 chuyến bay đêm, Vietnam Airlines nỗ lực hạ nhiệt giá vé máy bay

Khai thác hơn 2000 chuyến bay đêm, Vietnam Airlines nỗ lực hạ nhiệt giá vé máy bay (19/04/2024)

Tin từ Vietnam Airlines vừa cho biết, để có thêm lựa chọn cho hành khách có nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ 3-/4-1/5 trong bối cảnh tải cung ứng giảm do ảnh hưởng của việc triệu hồi động cơ, Vietnam Airlines khai thác và tăng cường mở bán 2.000 chuyến bay khai thác vào các khung giờ muộn từ sau 21 giờ hàng ngày trên các đường bay giữa Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang…

Liên kết website