Sân trường Trung học phổ thông Kim Liên một buổi sáng cuối tháng 9 năm 2024 tiết trời dịu mát trong không khí chuyển mùa từ thu sang đông ở Thủ đô Hà Nội. Hơn một ngàn em học sinh cầm trên tay hơn một ngàn chiếc điện thoại thông minh lần đầu tiên được tiếp xúc với những bài học rất mới mẻ thông qua Chương trình tuyên truyền Chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam do Cục Hàng không Việt Nam phối hợp cùng trường Trung học phổ thông Kim Liên tổ chức.
Đây cũng là một hoạt động hết sức ý nghĩa của thầy cô và các em.học sinh hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập trường…
Nếu như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Việt Nam đã khẳng định rõ, chuyển đổi số là động lực để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, tới năm 2045 trở thành một nước công nghiệp, hiện đại thì đồng thời các em học sinh cũng được làm rõ về việc Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế về việc Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Theo dự báo, Việt Nam sẽ đạt lượng phát thải khoảng 64,3 triệu tấn CO2 vào năm 2025, 88,1 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Lượng phát thải của toàn Ngành Giao thông vận tải Việt Nam khoảng 17,4% trong tổng lượng phát thải của Việt Nam, trong đó riêng lĩnh vực đường bộ khoảng 85%, hàng không từ 2,5 tới 5%, còn lại là các lĩnh vực giao thông vận tải khác.
Hơn nữa, để góp phần xây dựng một cộng đồng hàng không quốc tế xanh với những giải pháp xanh, sân bay xanh, chuyến bay xanh… bên cạnh các giải pháp tích cực để giảm phát thải ròng về không cho hàng không nội địa; Hàng không Việt Nam sẽ tham gia Kế hoạch giảm và bù đắp carbon cho các chuyến bay quốc tế (CORSIA) của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế từ ngày 1/1/2026 với mục tiêu đạt Netzero vào năm 2050.
Tới những thách thức khi chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh
Theo đại diện của Cục Hàng không Việt Nam tại chương trình, trong những năm vừa qua, Ngành hàng không Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2022-2026, xây dựng Văn hóa số của Hãng hàng không với mục tiêu tới năm 2025 trở thành Hãng hàng không số.
Hãng đã triển khai nhiều nền tảng số dùng chung để tăng cường công tác an toàn, bảo dưỡng, nâng cao hiệu quả phục vụ hành khách, từ đó giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã triển khai các nền tảng kỹ thuật số dùng chung như ADSB, PBN… củng cố, nâng cao an toàn, điều hòa, hiệu quả cho công tác điều hành bay.
Bên cạnh đó, tại các Cảng Hàng không, sân bay của Việt Nam, công nghệ A-CDM đã được áp dụng nhằm mục đích góp phần bảo đảm an toàn ở mức cao hơn, góp phần giảm chi phí cho các hãng hàng không, nâng cao năng lực quản lý, khai thác, điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả, bảo vệ, giảm phát thải CO2 ra môi trường, góp phần xây dựng hình ảnh Cảng Hàng không sân bay an toàn, văn minh, lịch sự, hiện đại, xanh và bền vững.
Tuy nhiên, khi thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; các hãng hàng không Việt Nam là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc thực hiện CORSIA bao gồm cả ở giai đoạn tự nguyện (từ năm 2024 tới 2026) và giai đoạn bắt buộc (từ 2027 tới 2035).
Việc tham gia Corsia từ giai đoạn tự nguyện sẽ khiến các hãng hàng không Việt Nam gặp nhiều khó khăn về tài chính. Theo một dự báo được đưa ra, nếu Vietnam Airlines tham gia giai đoạn tự nguyện của CORSIA từ 1/1/2024 thì thì kinh phí phải chi trả cho mua tín chỉ và bù đắp Carbon sẽ lên tới 162 triệu đô la trong giai đoạn 2024 - 2026. Việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) là loại nhiên liệu giúp giảm lượng phát thải CO2 lên tới 60% cũng đặt ra thách thức lớn với mức giá cao gấp 2 tới 6 lần nhiên liệu JET A1 truyền thống, đồng thời nguồn cung cấp còn hạn chế…
Để hình thành hệ thống cảng hàng không xanh, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ phải đầu tư nhiều kinh phí để triển khai các nhiệm vụ hướng tới mục tiêu đó như hình thành hệ thống Cảng hàng không xanh, thân thiện với môi trường; triển khai áp dụng phương tiện sử dụng điện và hệ thống sạc, nạp điện tại Cảng hàng không sân bay, triển khai các hệ thống năng lượng mặt trời…
Đây đều là những nhiệm vụ đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, nhiệm vụ mới, khó và cần phải đầu tư nhiều kinh phí, nguồn lực. Lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm đi. Việc triển khai các nền tảng số dùng chung như ADSB, PBN… củng cố, nâng cao an toàn, điều hòa, hiệu quả cho công tác điều hành bay, giảm phát thải CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng cũng hết sức tốn kém nguồn lực của doanh nghiệp.
Phát triển bền vững là sự hy sinh…
Câu trả lời của các em với các câu hỏi đã làm Ban Tổ chức hết sức ngạc nhiên về sự sâu sắc đó là chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh vì mục tiêu phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng nói riêng và của Việt Nam nói chung, bản chất là sự hy sinh. Hy sinh một phần lợi ích trước mắt; tuy nhiên đó là nhiệm vụ chúng ta chắc chắn đã và đang làm, để gìn giữ những giá trị tốt đẹp nhất, bền vững nhất cho CON NGƯỜI.
Cũng trong chương trình, các em học sinh được biết vào năm 2019, Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã công nhận Cục Hàng không Việt Nam đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) theo tiêu chuẩn của FAA.
Điều đó có nghĩa là Cục Hàng không Việt Nam đã đạt được năng lực giám sát an toàn mức 1 theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Mọi chuyến bay của bất kỳ hãng hàng không nào của Việt Nam, từ hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tới Vietjet Air… đều được giám sát an toàn tuyệt đối theo tiêu chuẩn “Mỹ”.
Nhận thức rõ ràng về an ninh mạng là một bộ phận của an ninh quốc gia Việt Nam, các em cũng thấy rõ trong cuộc sống ngày nay, khi con người sống tới 50% trên không gian mạng và 50% không gian thực, Tổ quốc Việt Nam sẽ bị xâm lăng đầu tiên trên không gian mạng chứ không phải những không gian truyền thống trước kia như không gian biển, đất liền hay bầu trời.
Theo đánh giá của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO, đây là thách thức lớn nhất mà Hàng không thế giới sẽ phải đối mặt trong tương lai và thể hiện rất rõ ràng trong quá trình chuyển đổi số hoạt động hàng không dân dụng.
Việc sử dụng các nền tảng số dùng chung sẽ dẫn tới việc chúng ta phải đồng bộ hóa hệ thống trang thiết bị và tích hợp nhiều cơ sở dữ liệu dùng chung. Một cuộc tấn công mạng vào nền tảng dùng chung này, hoặc giả sử là một trục trặc khi cập nhật phần mềm hệ thống cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng hoặc khiến toàn bộ nền tảng số dùng chung tạm dừng hoạt động mà bài học mới nhất là sự cố mà Microsoft gặp phải khi cập nhật phần mềm hệ thống dẫn tới tê liệt hoạt động hàng không ở nhiều sân bay trên thế giới vào tháng 7 vừa qua.
Từ đó, ICAO đã ban hành Chiến lược an ninh mạng hàng không và Chính sách về an ninh mạng hàng không năm 2022 để hướng dẫn các quốc gia thành viên để triển khai thực hiện nhằm ứng phó với mối nguy cơ này. Chúng ta cũng đang tích cực triển khai việc tích hợp các nội dung về an ninh mạng hàng không vào Chương trình an ninh hàng không dân dụng quốc gia Việt Nam theo Chiến lược và Hướng dẫn của ICAO.
Không những cho hiện tại và còn cả cho các thế hệ tương lai
Cô giáo Đặng Minh Tú, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Kim Liên – đơn vị phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam tổ chức chương trình cho rằng khác với những suy nghĩ ban đầu của Ban Giám hiệu và các em học sinh nhà trường rằng nội dung tuyên truyền này có lẽ sẽ hơi khô khan và cứng nhắc thì với cách tiếp cận nhẹ nhàng, hấp dẫn, dí dỏm và sâu sắc, chương trình chắc chắn sẽ truyền được cảm hứng cho các em học sinh không những về chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh để phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam mà còn góp phần bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc cho các em.
Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh sẽ xây dựng cho các em một thế giới kết nối số toàn cầu bền vững trong một xã hội xanh, môi trường xanh và ước mơ xanh.
Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về “Chuyển đổi số gắn với sự phát triển bền vững của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030” nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động toàn Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam và nhân dân, cộng đồng xã hội nhằm chung tay bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Ngành HKDDVN góp phần vào mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045 và đạt Net zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050 theo cam kết của lãnh đạo Đảng và nhà nước với cộng đồng quốc tế. Chương trình tuyên truyền tại Trường THPT Kim Liên là chương trình được tổ chức lần đầu tiên theo kế hoạch này tại Thủ đô Hà Nội./.
(dangcongsan.vn)
Tin từ Vietnam Airlines cho biết, Hãng vừa trở thành Hãng hàng không Việt Nam đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trên các chuyến bay từ châu Âu. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, tất cả chuyến bay của hãng khởi hành từ các sân bay châu Âu đều sử dụng SAF.
Vượt qua nhiều đề cử, Vietnam Airlines đã xuất sắc giành được giải thưởng “Ý tưởng phát triển bền vững” với dự án “Góp lá vá rừng - Vì Một Việt Nam Xanh và Phát Triển Bền Vững”. Đây là dự án được phối hợp chặt chẽ giữa ba đơn vị Vietnam Airlines, MoMo và PanNature.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) vừa công bố khảo sát hành khách toàn cầu 2024, trong đó khẳng định hành khách vẫn ưu tiên cho sự nhanh chóng và tiện lợi. Để nâng cao trải nghiệm đi lại, họ muốn sử dụng công nghệ nhận diện sinh trắc học và hoàn thành một số thủ tục trước khi đến sân bay.
Cảng vụ Hàng không miền Nam vừa có văn bản gửi Sở GTVT TP.HCM về việc dùng xe buýt đưa khách từ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất ra trạm trung chuyển vào dịp cao điểm Tết 2025.