Chương trình tọa đàm "Vùng trời của chúng ta" hướng tới kỷ niệm 30 năm FIR Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 31/08/2024 - 20:55 GMT+7

Hướng tới Kỷ niệm 30 năm ngày chính thức thực hiện trách nhiệm điều hành hoạt động bay trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (08/12/1994-08/12/2024),chiều ngày 30/8, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã tổ chức buổi tọa đàm "Vùng trời của chúng ta" .

Khách mời tham gia chương trình là thành viên đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị RAN-3: ông Nguyễn Quý Bính, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Biên giới quốc gia, Nguyên Vụ trưởng Vụ luật pháp và điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao; Đại tá Lê Ngọc Sơn, nguyên Phó Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và ông Phạm Việt Dũng, Vụ trưởng -Chánh Văn phòng Đảng Đoàn Bộ GTVT.

(Toàn cảnh Chương trình tọa đàm). 

Tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Việt Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên VATM, là một trong những người tham gia đoàn đàm phán FIR Hồ Chí Minh vẫn nhớ như in mỗi lần ngồi trên bàn đàm phán ngày đó với chức danh chuyên viên Ban Quan hệ quốc tế (Cục Hàng không Dân Dụng Việt Nam) tại hội nghị đấu tranh giành lại FIR Hồ Chí Minh.

Ông Dũng cho biết, FIR là vùng trời có kích thước xác định mà Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) giao cho các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm trước cộng đồng Hàng không dân dụng quốc tế để cung cấp các Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Ranh giới FIR được xác định trên cơ sở thoả thuận giữa các quốc gia liên quan, các tổ chức hàng không quốc tế (ICAO, IATA) tại các Hội nghị không vận khu vực (RAN) và do Hội đồng ICAO phê chuẩn. 

(Ông Phạm Việt Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên VATM, hiện là Chánh Văn phòng Đảng Đoàn Bộ GTVT (ngoài cùng, bên trái) tại chương trình Tọa đàm).

Để giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh, Việt Nam đã phải chuẩn bị suốt nhiều năm trước khi tham gia hội nghị RAN-3. Tuy đã là thành viên của ICAO, nhưng lúc đó, sự hiện diện của ngành hàng không Việt Nam trên trường hàng không quốc tế còn non yếu, gặp nhiều khó khăn; các mối quan hệ về hàng không của Việt Nam cũng chưa rộng nên chưa thể đánh giá được hết sự ủng hộ của ngành hàng không các nước với hàng không Việt Nam....

Đó là những khó khăn phải lường trước để ta chủ động, không bị bất ngờ trước những diễn biến phức tạp tại RAN-3. Do đó, công tác vận động hành lang của Việt Nam với các quốc gia khác trước và trong hội nghị phải liên tục để tranh thủ các lợi thế của Việt Nam.


FIR Hồ Chí Minh, trước năm 1975 gọi là FIR Sài Gòn, được thiết lập tại Hội nghị không vận Trung Đông-Đông Nam tại Rome năm 1959, bao gồm cả vùng trời chủ quyền thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời quốc tế ở Biển Đông.

Đến năm 1973, tại Hội nghị không vận khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (RAN-1) họp tại Honolulu, FIR Sài Gòn có điều chỉnh nhỏ mở rộng xuống phía Nam và duy trì cho đến ngày 28/4/1975 với diện tích khoảng 918.000km2.


Tháng 4/1975, đứng trước sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn, lo ngại trước sự bế tắc giao lưu hàng không trong khu vực khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, ICAO đã vạch ra một kế hoạch không vận lâm thời gồm thiết lập các đường bay không lưu trên Biển Đông và phân chia FIR Sài Gòn (phần vùng trời trên công hải trên Biển Đông) thành ba vùng trách nhiệm tạm thời giao cho 3 Trung tâm Kiểm soát đường dài Bangkok, Singapore và Hongkong (lúc đó thuộc sự quản lý của Vương quốc Anh) điều hành; phần còn lại của FIR Sài Gòn do Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh đảm nhiệm.


Trước áp lực tranh giành FIR Sài Gòn, Hội nghị RAN-2 năm 1983, một số nước trong khu vực có ý đồ đòi xóa bỏ kế hoạch lâm thời của ICAO về phân chia các vùng trách nhiệm tạm thời trên Biển Đông thuộc FIR Sài Gòn cũ, đồng thời hợp thức hóa việc giao chính thức các vùng trách nhiệm tạm thời trên cho các nước đó quản lý. Có quốc gia đề xuất sáp nhập một phần FIR Hà Nội và phần lớn FIR Hồ Chí Minh vào vùng thông báo bay của họ, điều này dẫn đến phạm vi của FIR Hồ Chí Minh sẽ bị mất phần lớn vùng trời công hải quốc tế trên Biển Đông…


Trải qua 10 năm đầu tư các trang thiết bị, nhân lực và sự ủng hộ của các nước trên thế giới, tới Hội nghị RAN-3 năm 1993 tại Thái Lan, trong vòng một tháng diễn ra Hội nghị RAN-3 để giành lại quyền điều hành phần phía Nam của FIR Hồ Chí Minh, diễn biến trên bàn hội nghị luôn thay đổi theo nhiều hướng, Việt Nam đã giành được FIR Hồ Chí Minh vào ngày 08/12/1994.

(Đoàn công tác tại Hội nghị RAN-3. Ảnh tư liệu).

Phát biểu tại chương trình Tọa đàm, ông Nguyễn Quý Bính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) và cũng là thành viên tham gia đoàn đàm phán ở Hội nghị RAN-3 cho biết, trong bối cảnh các nước như Thái Lan, Singapore, Hong Kong có lợi thế hơn nhiều so với Việt Nam nên trước khi hội nghị diễn ra, dưới sự hỗ trợ của ICAO, đoàn Việt Nam đã đàm phán với các nước như: Mỹ, Pháp, Canada, Anh để huy động các nước ủng hộ Việt Nam tại RAN-3.

Cũng tại chương trình Tọa đàm, ông Lê Hoàng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cho biết, việc giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất to lớn về chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế về hoạt động hàng không dân dụng nói chung, công tác cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nói riêng.

(Ông Lê Hoàng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty phát biểu tại buổi Tọa đàm).

Nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam Trần Xuân Mùi nhấn mạnh, may mắn thời điểm này, Việt Nam có nhiều thuận lợi khi bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục và phát triển kinh tế. Sự nỗ lực, phấn đấu thi đua của toàn bộ các cấp, ngành, trong đó có hàng không đã giúp công tác điều hành FIR Hồ Chí Minh dần hoàn thiện và đạt được nhiều kết quả tích cực cho tới ngày nay.

(Ông Trần Xuân Mùi, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam và ông Nguyễn Đình Công, UVBTV Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chia sẻ tại buổi Tọa đàm).
(Các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm).

Với những thông tin, câu chuyện được các khách mời chia sẻ tại Tọa đàm đã đem đến một nguồn tài nguyên lịch sử quý giá về tri thức, kinh nghiệm trong quá trình đàm phán, giành quyền điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.
Với 1/3 thế kỷ tiếp nhận điều hành FIR Hồ Chí Minh, VATM đã bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho gần 12 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm, không để xảy ra mất an toàn bay./.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website