Ngành hàng không Trung Quốc kêu cứu

Thứ Hai, 24/08/2015 - 15:04 GMT+7

 (Tamnhin.net) - Giá dầu tăng cao là tai họa đối với các nước tiêu thụ dầu lửa lớn phải nhập khẩu. Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu lửa lớn thứ hai sau Mỹ trên thế giới hiện nay. Giá dầu thế giới tăng cao và tình trạng độc quyền cung cấp của các công ty nội địa hiện đang ảnh hưởng xấu cho các ngành, trong đó có ngành hàng không, một ngành gắn liền với dầu lửa.

Tờ “Kinh tế Trung Quốc” cho biết phát biểu trong “Diẽn đàn phát triển ngành hàng không Trung Quốc-2012”, Chủ tịch Hiệp hội kiêm Trưởng ban kinh tế Hội hàng không Trung Quốc ông Thang Nhan Lân nói: “Trung Quốc là một trong nước có giá xăng dầu hàng không đắt nhất thế giới hiện nay. Giá nhiên liệu đã trở thành nhân tố kìm hãm sự phát triển của ngành hàng không, nhưng rốt cuộc đều đổ lên đầu hành khách, nên họ phải giơ đầu chịu báng”.
Do giá dầu thế giới tăng cao, nên từ năm 2010 tới nay, Trung Quốc đã 9 lần tiến hành điều chỉnh nâng cao giá dầu lửa trong nước, năm 2011 tiến hành điều chỉnh 3 lần và năm 2012 đã tiến hành điều chỉnh 3 lần vào tháng 2, tháng 3 và tháng 4, đẩy giá dầu trong nước lên 8.061 Nhân dân tệ/thùng (RMB), cộng lại giá dầu trong nước đã tăng thêm 701 Nhân dân tệ/tấn. Trong tháng 5/2012 vừa qua, Công ty cung cấp dầu khí điều chỉnh hạ giá dầu, nhưng lại rất nhỏ giọt so với mức tăng, lúc tăng thì vọt lên tới trên 700 RMB/tấn, nhưng mức hạ chỉ nhỏ giọt có 129 RMB/tấn.
Ông cho biết mức chênh lệch giá dầu trong nước và thế giới của Trung Quốc so với các nước láng giềng xung quanh rất cao đã tác động không nhỏ tới giá thành của các hãng hàng không. Mức chênh lệch giá xăng dầu máy bay trong nước so với giá dầu trên thị trường thế giới ở hầu hết các nước trong khu vực Châu Á chỉ khoảng 65 USD/tấn, nhưng của Trung Quốc tăng vọt lên tới 100 USD/tấn. Chẳng hạn vừa qua, giá xăng dầu bình quân thế giới là 950 USD/tấn, giá nhập khẩu tại thị trường dầu Xinhgapo chỉ tăng chút ít lên 960 USD/tấn, nhưng của Trung Quốc tăng vọt lên tới 1.050 USD/tấn.
Ông cho biết giá dầu hiện nay là gánh nặng của các hãng hàng không trong nước, như Hãng hàng không quốc tế, hãng hàng không Phương Nam, Hãng hàng không Phương Đông thì giá dầu chiếm tới trên 40% giá thành của các hãng này. Do hậu quả giá dầu tăng cao, lợi nhuân của các hãng này thời gian qua lần lượt sụt giảm 85,7%, 74,2%, 73,7%. Lợi nhuận của các hãng khác cũng sụt giảm ở mức tương tự.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cung cấp xăng dầu Hàn Bản Nghị thanh minh : “Giá xăng dầu máy bay của Trung Quốc không phải là cao nhất thế giới, nhiều nước khác còn cao hơn Trung Quốc. Năm qua, 70% công ty cung ứng xăng dầu máy bay ở 180 sân bay trong nước đã thua lỗ. Thua lỗ này do các công ty tự điều chỉnh chứ không đẩy cho các hãng hàng không”.
Nhưng tất cả các hãng hàng không tham gia Diễn đàn đều lên tiếng phản đối quan điểm trên và phàn nàn rằng kể từ năm 2007, Trung Quốc thực hiện các giá xăng khác nhau do các công ty cung cấp xăng ở các sân bay tự quy định, nên không có sự quản lý giá thống nhất mà chênh lệch nhau rất lớn. Tập đoàn cung cấp xăng dầu cho các sân bay thực hiện độc quyền nhập khẩu và độc quyền cung cấp, nên họ tùy tiện đặt giá, chỉ có tăng mà không giảm, vừa qua do phản ứng ở trong nước, nên có giảm đôi chút, còn khi tăng thì tăng vọt. Mười năm trước đây, giá xăng trong nước nhìn chung thấp hơn giá xăng quốc tế, nhưng nay ngược lại, giá xăng trong nước luôn luôn cao hơn giá xăng thế giới.
Nguyên nhân chính là vấn đề độc quyền và sự lũng đoạn của Tập đoàn cung cấp xăng dầu. Bởi vậy, đã tới lúc nhà nước cần thực hiện đa nguyên hóa cung cấp xăng dầu. Các nước trên thế giới đều thực hiện đa nguyên hóa cung cấp xăng dầu, một sân bay có thể có 3-4 công ty cung cấp xăng dầu chứ không thể chỉ có một công ty độc quyền như hiện nay. Tại sân bay Thượng Hải, Hải Nam và một số sân bay khác kể từ khi thực hiện liên doanh với hãng BP của Anh thì giá xăng dầu luôn cân bằng với mặt bằng giá xăng thế giới chứ không chênh lệch quá đáng như tình trạng độc quyền ở các sân bay khác.
Các đại biểu tham gia Diễn đàn cho rằng tình trạng giá xăng nội địa lên cao rất nhiều so với giá quốc tế là do hai nguyên nhân chủ yếu: do độc quyền nhập khẩu và độc quyền tiêu thụ của các công ty trong nước tạo ra. Nếu chúng ta thực hiện đa nguyên hóa giá cả và loại bỏ độc quyền này thì giá xăng dầu sẽ không bị lũng đoạn và đẩy cao quá đáng như thời gian qua.
Nhiều đại biểu tham gia Diễn đàn này cho rằng hiện nay do nhu cầu đi lại của cán bộ và nhân dân tăng lên rất cao, trong đó hàng không là sự lựa chọn của nhiều người, vì vậy họ sẵn sàng mở hầu bao chấp nhận mua vé máy bay cao như hiện nay và lên án các hãng hàng không. Nhưng thực ra, đây là hậu quả do sự độc quyền nhập khẩu và độc quyền cung cấp xăng của các công ty nội địa.
Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Trung Quốc Lý Gia Tường cho biết hàng năm có gần 200 triệu lượt khách đi máy bay. Hiện Trung Quốc có 27 hãng máy bay chở khách với đội máy bay trên 1.500 chiếc, nên không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của cán bộ và nhân dân. Dự kiến, tới năm 2025 tăng lên khoảng 4.000 máy bay. Năm 2015, số sân bay cũng tăng lên đáng kể, dự kiến từ 180 sân bay hiện nay tăng lên tới 230 – 240 sân bay. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu thời gian tới còn tăng cao hơn nữa. Nếu các công ty xăng dầu không tính toán điều chỉnh giá thành xăng dầu hợp lý thì ngành hàng không sẽ còn chịu thua lỗ nhiều hơn nữa và không thể phát triển theo như quy hoạch dài hạn.
Giá xăng dầu hiện đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Từ năm 1994, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu dầu lửa. Tới năm 2007 mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn dầu lửa nước ngoài của Trung Quốc là 49%, năm 2008 là 50%, năm 2009 là 53%, năm 2010 là 55%. Năm 2011 Trung Quốc nhập khẩu 204 triệu tấn dầu, phụ thuộc 56% vào nước ngoài. Dự tính năm 2015 mỗi ngày Trung Quốc vẫn thiếu hụt tới khoảng 11 triệu thùng. Tới năm 2020 mức phụ thuộc của Trung Quốc sẽ trên 76%. Hãng BP của Anh cho biết: “Hiện nay Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và cũng là nước nhập khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới.” Chỉ cần giá một thùng dầu thô trên thị trường thế giới tăng 1 USD thì Trung Quốc hàng năm phải chi thêm tới trên 600 triệu USD do hậu quả này. Nếu không có sự cải cách và cơ cấu lại hệ thống cung ứng ở trong nước thì những ngành tiêu thụ xăng dầu lớn như ngành hàng không sẽ trở thành nạn nhân của tình trạng độc quyền nhập khẩu và độc quyền cung cấp ở trong nước.
Dầu lửa đang trở thành “Chiếc vòng kim cô” xiết chặt lên đầu, đe dọa nghiêm trọng tới sự phát triển của ngành hàng không Trung Quốc. Bỏi vậy, ngành hàng không đang lên tiếng kêu cứu là lý do xác đáng ./.
(Tamnhin.net)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website